Vua hàng hiệu Việt đặt tham vọng doanh thu thời trang hơn 5.000 tỷ năm nay |
Thông tin mới nhất được lãnh đạo IPPG chia sẻ, doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm của mảng thời trang IPPG Fashion Retail tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, IPPG Fashion Retail ghi nhận doanh thu hơn 2.564 tỷ đồng, tăng trưởng 47% so với 1.748 tỷ đồng cùng kỳ 2021.
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt hơn 386 tỷ đồng, không những tăng trưởng 173% so với hơn 141 tỷ đồng cùng kỳ năm trước mà còn vượt cả con số đạt được của cả năm 2020 (334 tỷ đồng).
Lãnh đạo IPPG cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu cả năm 2022 đối với mảng thời trang ở mốc hơn 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 62%, lợi nhuận gần 548 tỷ đồng, tăng 219% so với 2021.
Trước đó, năm 2021, mặc dù chịu tác động mạnh từ dịch COVID-19, IPPG Fashion Retail vẫn đạt được kết quả kinh doanh khả quan với tổng doanh thu hơn 3.138 tỷ đồng và lợi nhuận là hơn 171 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng vừa công bố kết quả kinh doanh là CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (mã SAS).
Theo đó, BCTC quý 2 của SAS ghi nhận doanh thu gần 296 tỷ đồng, tăng vọt so với quý 2/2021 đạt được là hơn 93 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt hơn 83 tỷ đồng, tăng đột biến 680% so với con số âm hơn 14 tỷ đồng cùng kỳ 2021.
Trong quý 2, các mảng kinh doanh chủ lực như kinh doanh hàng miễn thuế của công ty đạt doanh thu 74 tỷ, tăng gấp 3 lần; dịch vụ phòng chờ tại sân bay đạt gần 68 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần. Sasco còn thu về gần 38 tỷ đồng từ hoạt động tài chính...
SAS phục hồi kinh doanh cùng với sự phục hồi ngành hàng không |
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sasco đạt doanh thu hơn 427 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với con số đạt được 202 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lãi 6 tháng là gần 86 tỷ đồng, tăng mạnh so với việc âm gần 1,8 tỷ đồng cùng kỳ 2021.
Giải trình về kết quả lợi nhuận tăng vọt đạt được trong quý 2/2022, phía SAS cho biết, tình hình kinh doanh đang dần hồi phục khi số lượng các chuyến bay nội địa tăng lên, các chuyến bay thương mại quốc tế từng bước được nối lại, trong khi cùng kỳ năm trước công ty bị ảnh hưởng do phải thực hiện giãn cách xã hội từ cuối tháng 5/2021.
Bên cạnh đó, lợi nhuận hoạt động tài chính quý 2/2022 đạt hơn 40 tỷ đồng, tăng 242% so với cùng kỳ năm trước là do cổ tức, lợi nhuận nhận được từ các đơn vị có vốn góp tăng so với cùng kỳ và hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư vốn góp.
Theo dữ liệu cơ cấu cổ đông tại SAS, gia đình doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên nắm giữ hơn 45% tại doanh nghiệp thông qua Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC).
ĐHĐCĐ 2022 cuối tháng 3, SAS đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2022 ở mức hơn 82 tỷ đồng, tăng gần 27 lần so với năm 2021, phản ánh kỳ vọng phục hồi so với mức nền chỉ 3 tỷ đồng đạt được trong 2021 bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Tại đại hội, Chủ tịch Johnathan Hạnh Nguyễn nhận định, sự hồi phục của lượng khách quốc tế còn tùy thuộc vào quy định của các nước. Trong thời gian qua, ban điều hành công ty đã điều chỉnh gian hàng để hấp dẫn khách hàng nội địa do vẫn chưa có khách quốc tế.
“Chúng ta đã gượng lại, nhưng sau một cơn bạo bệnh thì không thể chạy ngay được mà cần có thời gian để hồi phục. Công ty sẽ đi từng bước để hồi phục. Nếu trường hợp chiến tranh được khống chế và dịch bệnh trở lại bình thường thì năm 2023 sẽ tươi sáng hơn. Hoạt động kinh doanh năm 2023 sẽ được 80% hoặc hơn so với năm 2019. Năm 2023-2024 sẽ giai đoạn đỉnh điểm, Sasco sẽ trở lại bình thường, những khoản lãi sẽ thật sự đáng kỳ vọng”, Chủ tịch SAS chia sẻ.