Xuất siêu vượt 10 tỷ USD, xuất nhập khẩu chưa ngừng giảm
Đây là thông tin cập nhật mới nhất về hoạt động xuất nhập khẩu, giá trị xuất siêu, theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng của năm 2022 Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố.
Theo GSO, trong tháng 11, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 57,58 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng trước và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả giai đoạn, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13,4%; nhập khẩu tăng 10,1%. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD.
Khu vực FDI tiếp tục là động lực chính của xuất khẩu
Về xuất khẩu, theo GSO, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ tháng 10/2022 đạt 30,37 tỷ USD, cao hơn 99 triệu USD so với số ước tính.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,38 tỷ USD, tăng 0,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,8 tỷ USD, giảm 5,4%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11 giảm 8,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 14,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 6,3%.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 87,46 tỷ USD, tăng 10,1%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 254,75 tỷ USD, tăng 14,6%, chiếm 74,4%.
Trong 11 tháng năm 2022, đã có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 08 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%).
Như vậy, so với tháng liền kề, đã có thêm 3 mặt hàng gia nhập vào "câu lạc bộ" nhóm hàng hóa xuất khẩu trên tỷ USD. Đồng thời, số nhóm đạt xuất khẩu chục tỷ USD cũng có thêm 2 mặt hàng.
Đơn vị: tỷ USD |
Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong giai đoạn cho thấy, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,2 điểm % so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, bằng cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6%, giảm 0,5 điểm %; nhóm hàng thủy sản chiếm 3%, tăng 0,3 điểm %.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ tháng 10/2022 đạt 27,9 tỷ USD, thấp hơn 97 triệu USD so với số ước tính.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 28,4 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,16 tỷ USD, tăng 6,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,24 tỷ USD, giảm 0,6%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 giảm 7,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 0,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 10,8%.
Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 115,42 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 216,19 tỷ USD, tăng 9,6%.
Đơn vị: tỷ USD |
Trong 11 tháng năm 2022, đã có 45 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,2% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 06 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,3%).
Như vậy, so với tháng liền kề, đã có thêm 01 mặt hàng có giá trị nhập khẩu trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên nhóm mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD thì không có thay đổi.
Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu trong giai đoạn cho thấy, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,6%, tỷ trọng bằng cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,7%, giảm 1,8 điểm % so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,9%, tăng 1,8 điểm %. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,4%, bằng cùng kỳ năm trước.
Nguồn: GSO |
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa, trong giai đoạn, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 101,5 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỷ USD.
Trong 11 tháng năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 29,4 tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc đạt 56,9 tỷ USD, tăng 14,1%; nhập siêu từ Hàn Quốc 35,7 tỷ USD, tăng 16,1%; nhập siêu từ ASEAN 12,2 tỷ USD, tăng 9,4%; nhập siêu từ Nhật Bản 139 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 2,3 tỷ USD).