Bảo đảm an toàn hệ thống điện, nguồn cung hàng hóa thiết yếu trước, trong và sau “siêu bão” Yagi
Người lao động hối hả tích trữ thực phẩm trước "siêu bão" Yagi |
Khối lượng hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ ước tính đáp ứng từ 5-10 ngày sử dụng
Theo đó, yêu cầu các Sở Công Thương: Chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phướng án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.
Cơn bão số 3 ("siêu bão" Yagi) dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ với cường độ mạnh. Sở Công Thương một số địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão (như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn...) đã ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn báo cáo về khả năng dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu để kịp thời huy động, cung cấp cho người dân khi có yêu cầu.
Hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị lớn vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Ảnh: Bộ Công Thương |
Các mặt hàng được dự trữ là các hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu và các mặt hàng khác có nhu cầu cao trong mùa bão lũ (tấm lợp, dây thép, đinh vít, thuốc trị bệnh…), đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân vùng thiên tai.
Các mặt hàng này được dự trữ tại kho hàng của tổ chức, doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa và sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu. Khối lượng hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ ước tính đáp ứng từ 5-10 ngày sử dụng (tùy thuộc tình hình, khả năng và đặc thù của địa phương). Trường hợp thiên tai kéo dài trên diện rộng, đã huy động hết nguồn hàng dự trữ tại địa phương nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, địa phương sẽ đề xuất hoặc huy động từ các nguồn, các đơn vị trong và ngoài tỉnh để bảo đảm ứng cứu kịp thời.
Kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng cao
Theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối (Saigon Coop, BRG mart, Wincommerce, Central Retail, Mega Market, Lotte mart, Aeon mart...) lượng khách đến mua hàng từ tối ngày 5/9/2024 có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng tốt nhu cầu.
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân khi mưa bão lớn, các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước. Bên cạnh đó, hệ thống các siêu thị tại các khu vực có ảnh hưởng của bão số 3 đã có phương án điều nguồn hàng từ các địa phương lân cận về các điểm bán hàng trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão, đồng thời các doanh nghiệp cũng có phương án bảo đảm an toàn, chuẩn bị ứng phó khi bão đến; tăng cường hoạt động bán hàng trực tuyến, hỗ trợ giao hàng nhanh; giữ thông tin chặt chẽ với chính quyền địa phương và Bộ Công Thương; thiết lập các đội ứng phó khẩn cấp...
Hiện, lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 đang tăng cường triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng cao, gây bất ổn thị trường.
Đến nay, qua báo cáo sơ bộ của các Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối, tình hình thị trường hàng hóa tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 cơ bản vẫn ổn định, sức mua các hàng hóa thực phẩm tươi sống và mỳ gói, nước uống có tăng nhưng nguồn cung vẫn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu. Theo nhận định của Sở Công Thương các địa phương, nguồn cung hàng hóa thiết yếu sẽ được bảo đảm và cung ứng đủ cho người tiêu dùng trước, trong và sau bão.
Bảo đảm cung cấp điện được ổn định trong mọi tình huống
Ngày 6/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) cùng các đơn vị về các công tác phòng chống bão.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị EVN khẩn trương chỉ đạo các đơn vị điện lực các địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo để bảo đảm an toàn cho hệ thống điện của địa phương.
Đối với NSMO, Bộ trưởng yêu cầu phải triển khai nghiêm túc kế hoạch phòng chống bão đã được phê duyệt, đồng thời chỉ đạo các đơn vị cơ sở, những trung tâm và đơn vị chức năng nằm ở khu vực trung tâm bão và hoàn lưu bão duy trì chế độ trực, vận hành linh hoạt, an toàn, ổn định hệ thống điện. Đặc biệt, Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động tối đa nguồn lực duy trì chế độ trực ban 24/24h, bảo đảm chế độ liên lạc thông suốt với các đơn vị phát điện và đơn vị truyền tải điện để bảo đảm cung cấp điện được ổn định trong mọi tình huống, tuân thủ nghiêm quy định về điều độ hệ thống điện.
Bên cạnh đó, đề nghị NSMO và EVN, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) phối hợp chặt chẽ hơn nữa để sẵn sàng xử lý kịp thời, nhuần nhuyễn, hiệu quả những sự cố có thể xảy ra, nhất là sự cố về nguồn điện, sự cố truyển tải, lưu ý tại các địa phương ven biển và vùng hải đảo.
Các đơn vị trực thuộc Bộ (Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực) EVN, NSMO phối hợp chặt chẽ trong công tác ứng phó sự cố, nhất là hệ thống lưới điện truyền tải và các nguồn phát điện.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tối 6/9, bão số 3 đã giảm đi một cấp. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Lúc 19 giờ ngày 6/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc); cách Quảng Ninh khoảng 360 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183 km/giờ), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20 km/giờ. Từ nay đến 24 giờ ngày 6/9, khu vực các quận, huyện như: Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Phú Xuyên tiếp tục có mưa rào và dông mạnh, sau đó sẽ lan sang các quận/huyện thuộc nội thành của Thủ đô Hà Nội; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1. Trên biển, vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, đêm 6/9 còn có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 11-13, giật cấp 16; biển động dữ dội. Ngày 7/9 gió giảm dần. Vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội. Trên đất liền, từ đêm 6/9 đến gần sáng 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối 7/9). Ngoài ra, từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350 mm, có nơi trên 500 mm, mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối 7/9 đến đêm 8/9. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, đêm 6/9, người dân khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh trước khi bão ảnh hưởng. |
Tránh “siêu bão” Yagi, công nhân được nghỉ làm thứ Bảy Trước dự báo về mức độ nguy hiểm của siêu bão Yagi, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đã thông báo cho ... |
Phải ngừng việc do “siêu bão" Yagi, người lao động có được trả lương? Tuỳ theo chính sách của từng doanh nghiệp và chỉ thị của từng địa phương mà người lao động có thể phải nghỉ việc trong ... |
"Siêu bão" Yagi đổ bộ, cần làm gì để tránh xảy ra hỏa hoạn, thương tích? Bão Yagi đổ bộ, người dân, hộ gia đình, cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần cẩn trọng, chủ động phòng ngừa ... |