Áp dụng mức lương tối thiểu giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí
Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ là Nghị định đầu tiên ghi nhận mức lương tối thiểu giờ, theo đó mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động, hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
Tuyển dụng lao động theo giờ có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với việc tuyển dụng lao động lâu dài. Thay vì việc phải trả lương theo tháng thì với lao động theo giờ chỉ cần trả lương theo giờ làm việc. Hơn nữa, việc thuê lao động theo giờ sẽ hạn chế được các chi phí liên quan như bảo hiểm, ngày nghỉ, lễ Tết, ốm đau,...
Mặt khác, lao động theo giờ thường làm việc trong thời gian ngắn hạn, gấp rút và hiệu quả công việc được đánh giá trên chỉ tiêu, con số. Vì vậy, họ sẽ tập trung làm việc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc cho doanh nghiệp; giúp nhà tuyển dụng đánh giá mức độ phù hợp trong công việc của họ và không cần cam kết.
Ngoài ra, nếu lao động đó làm tốt, doanh nghiệp hoàn toàn có thể giữ họ lại làm việc lâu dài hoặc đảm đương một vị trí trống trong thời gian doanh nghiệp tìm kiếm nhân sự cố định. Việc bổ sung lao động theo giờ cũng có thể giúp hỗ trợ cho các nhân viên cố định không làm thêm giờ quá nhiều, hoặc làm thêm do sự thiếu hụt lao động không đảm bảo được tiến độ công việc.
Mặc dù vậy, việc thực hiện mức lương tối thiểu giờ cũng có những khó khăn.
Đối với người lao động làm công việc trả lương theo giờ, do phải thường xuyên làm một công việc mới trong một môi trường mới, thời gian gắn bó không dài nên người lao động khó nắm bắt được hết quy trình làm việc.
Bên cạnh đó, khi nhân viên làm việc trả lương theo giờ làm việc cùng với nhân viên cố định, với cùng một công việc trong cùng một khoảng thời gian, nhưng lại không nhận được những lợi ích tương tự.
Trong khi người lao động làm việc theo giờ thường có đặc điểm chung là tính chất đa dạng về công việc và phức tạp về cường độ, năng suất lao động, trình độ, kỹ năng lao động và điều kiện lao động... Hơn nữa, mức lương tối thiểu theo giờ hiện hành chưa bao gồm cả việc trả lương cho người lao động làm công việc đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu.
Liên quan đến việc thực hiện lương tối thiểu giờ, gửi báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, một số địa phương cũng đánh giá các doanh nghiệp hầu như không áp dụng trả lương tối thiểu theo giờ, mà chỉ áp dụng với các công việc bán thời gian.
Theo đó, kết quả khảo sát nhanh tại 12 doanh nghiệp thường xuyên sử dụng người lao động trả lương theo giờ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM như sau:
Mức lương theo giờ một số công việc tại TP.HCM. |
Tại Bình Phước, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, qua rà soát, hầu hết các doanh nghiệp không áp dụng trả lương theo giờ. Một số doanh nghiệp thực hiện chủ yếu đối với hoạt động mang tính thời vụ, dịch vụ hoặc có tính chất đặc thù.
Nhìn chung, việc quy định lương tối thiểu giờ hiện nay dựa trên nguyên tắc lấy mức tuyệt đối của lương tối thiểu theo vùng (như vùng I là 22.500đ/giờ, vùng II là 20.000đ/giờ, vùng III là 17.500đ/giờ, vùng IV là 15.600đ/giờ) chia cho số ngày và số giờ làm việc tiêu chuẩn là chưa phù hợp thực tế.
Còn tại Thái Bình, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đối với lương tối thiểu theo giờ hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không áp dụng. Lương tối thiểu theo giờ được áp dụng chủ yếu cho nhân viên phục vụ trong các loại hình kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, quán ăn, quán giải khát, cà phê) thuộc nhóm lao động làm công việc bán thời gian, không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản. Mức lương giờ phổ biến được trả cho người lao động từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/giờ.