Bộ Xây dựng “thúc” các địa phương đẩy nhanh tiến độ nhà ở xã hội, gỡ vướng cho doanh nghiệp |
Tôi xin phát biểu ý kiến về Điều 4 Quỹ Nhà ở quốc gia trong Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
![]() |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương). Ảnh: Quốc hội |
Trước hết, tôi đồng tình cao với việc cần thiết thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia tại Trung ương và địa phương, đồng thời mở rộng nguồn thu từ ngân sách và xã hội hóa.
Đây là cơ sở tài chính quan trọng để thực hiện mục tiêu an sinh – lo chỗ ở cho hàng triệu người dân lao động thu nhập thấp. Tuy nhiên, tôi cho rằng Điều 4 còn một số điểm cần làm rõ và hoàn thiện, cụ thể như sau.
Thứ nhất, dự thảo chưa xác định rõ tỷ lệ ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ mỗi năm. Nếu không có ràng buộc pháp lý cụ thể, Quỹ dễ rơi vào tình trạng hình thức, không đủ nguồn lực để triển khai thực chất. Tôi đề xuất quy định rõ ngân sách trung ương và địa phương phải dành một tỉ lệ tối thiểu, ví dụ 1% đến 2% chi đầu tư phát triển hàng năm để hình thành và vận hành Quỹ này.
Thứ hai, quy định hiện hành chưa phân biệt giữa các vùng có nhu cầu nhà ở xã hội khác nhau. Ở các khu đô thị lớn, nơi tập trung đông khu công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… hàng trăm nghìn công nhân đang sống trong nhà trọ chật hẹp, tạm bợ. Tôi đề nghị phân loại địa phương theo nhóm có nhu cầu cao – trung bình – thấp để từ đó có cơ chế phân bổ Quỹ phù hợp, tránh dàn trải, thiếu hiệu quả.
Thứ ba, cần quy định khung giá trần hoặc giá sàn nhà ở xã hội theo khu vực. Nếu không có khung giá, người lao động có thể tiếp tục rơi vào cảnh "nhà ở xã hội nhưng không với tới được" vì giá vẫn vượt xa thu nhập. Nhà ở xã hội phải tương xứng với đồng lương của người lao động, cả khi mua hoặc thuê.
Thứ tư, dự thảo cũng chưa xác định được quy mô của Quỹ và mục tiêu cụ thể. Không có mốc này thì rất khó để giám sát, đánh giá hiệu quả chính sách. Tôi kiến nghị xác định mục tiêu tối thiểu Quỹ phải hỗ trợ. Ví dụ, khoảng 1 triệu người lao động trong vòng 5 năm tới.
Về Điều 8 trong Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội liên quan đến việc xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.
Trước hết, tôi đánh giá cao việc dự thảo đã đưa ra nguyên tắc rõ ràng về phương pháp xác định giá, yêu cầu thẩm tra độc lập và kiểm toán sau nghiệm thu, nhằm minh bạch chi phí, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Tuy nhiên, Điều 8 còn một số bất cập cần được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi và công bằng trong thực tiễn triển khai. Tôi xin nêu ba điểm sau.
![]() |
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Quốc hội |
Một là, dự thảo chưa làm rõ cơ chế tính giá trị đất trong giá bán nhà ở xã hội. Trường hợp chủ đầu tư được Nhà nước giao đất không thu tiền hoặc được khấu trừ thì không tính vào giá là hợp lý. Nhưng nếu chủ đầu tư tự mua đất hoặc nhận chuyển nhượng, thì hiện nay chưa có hướng dẫn rõ ràng liệu có được đưa chi phí đất vào giá bán hay không.
Nếu không cho phép đưa vào, nhà đầu tư không có động lực tham gia. Nếu đưa vào mà không giới hạn, người lao động sẽ không kham nổi. Do đó, tôi đề nghị cần có hướng dẫn rõ ràng, đồng thời Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ phần đất thông qua trợ giá hoặc miễn giảm thuế, lệ phí để vừa khuyến khích doanh nghiệp, vừa bảo vệ người dân.
Hai là, dự thảo thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro công – tư. Không có quy định về tỷ lệ căn hộ trong dự án được bán theo giá thương mại để bù chi phí, khiến doanh nghiệp khó cân đối tài chính. Tôi kiến nghị Quốc hội cho phép chủ đầu tư được bán không quá 20% đến 30% căn hộ với giá thương mại trong các dự án nhà ở xã hội, tùy theo khu vực và nhu cầu thực tế. Đây là mô hình đã thành công tại nhiều nước, giúp duy trì dòng tiền và giảm gánh nặng ngân sách.
Ba là, quy định hiện tại chưa đặt trọng tâm vào khả năng chi trả thực tế của người lao động. Mặc dù có cơ chế quyết toán và hoàn trả phần chênh lệch nếu giá thấp hơn giá hợp đồng, nhưng chưa có khung giá trần theo thu nhập người lao động. Nhà ở xã hội nếu đúng là xã hội thì không nên để người dân phải “cắm mặt trả nợ” suốt đời.
Tôi đề nghị Nhà nước xây dựng khung giá trần nhà ở xã hội theo từng vùng, gắn với mức thu nhập bình quân. Đồng thời, cần có các gói tín dụng ưu đãi dài hạn, lãi suất thấp và linh hoạt phương thức thanh toán, để người lao động có thể an cư chứ không chỉ mơ ước có nhà.
Cuối cùng và quan trọng nhất, tôi đề xuất Nhà nước cần có cơ chế trợ giá, bù giá nhà ở xã hội cho người lao động thu nhập thấp để họ có thể an cư mà không phải mang nợ cả đời. Nhà ở xã hội không phải là nhà thương mại trá hình, cũng không nên trở thành gánh nặng nợ nần cho người nghèo. Mục tiêu của chúng ta là giúp người lao động “an cư để lạc nghiệp” có chốn về, có hy vọng, có niềm tin để cống hiến.
Phát triển nhà ở xã hội không chỉ là trách nhiệm kinh tế mà là nghĩa vụ chính trị và đạo lý. Một xã hội văn minh không thể để hàng triệu người lao động làm lụng suốt đời vẫn phải sống trong nhà trọ tạm bợ.
Tôi kính mong Quốc hội cân nhắc chỉnh sửa theo hướng nhân văn, hài hòa lợi ích các bên, để chính sách thật sự đi vào cuộc sống và mang lại mái ấm cho những người cần nó nhất.
*Ngày 24/5, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đã tham gia thảo luận về dự thảo Nghị quyết này, trong đó đại biểu đặc biệt quan tâm đến Điều 4 và Điều 8.
Những lời gửi gắm của người lao động Chúng tôi, những người lao động thu nhập thấp, đang ngày đêm làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trên công trường, trong nhà máy xin được gửi đến Quốc hội tiếng nói từ tận đáy lòng mình, với niềm tin và kỳ vọng vào một chính sách nhà ở xã hội thực sự mang lại cuộc sống an cư lạc nghiệp cho hàng triệu người dân lao động. Từ bao đời nay, người Việt Nam luôn tâm niệm “an cư mới lạc nghiệp”. Một mái nhà nhỏ nhưng ổn định là nền tảng của mọi sự phấn đấu, là chốn để quay về sau những giờ lao động nhọc nhằn, là nơi nuôi dưỡng hạnh phúc, yêu thương và niềm tin vào tương lai. Nhưng với mức thu nhập phổ biến trên dưới 10 triệu đồng/tháng, chi phí cho tất cả mọi sinh hoạt, phần lớn người lao động chúng tôi vẫn phải chật vật sống trong những căn phòng trọ tạm bợ, chật chội, thiếu ánh sáng, thiếu an toàn, thiếu cả sự yên ổn lâu dài. Chúng tôi vui mừng khi Quốc hội xem xét Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù về phát triển nhà ở xã hội. Nhưng chúng tôi tha thiết mong rằng, bên cạnh số lượng dự án, cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng chính sách làm sao để giá nhà ở xã hội tương xứng với thu nhập thực tế của người lao động. Đừng để nhà ở xã hội trở thành một dạng bất động sản trá hình, mang danh nghĩa vì dân nhưng lại bị điều chỉnh bởi lợi nhuận thị trường. Chúng tôi không đòi hỏi được tặng nhà, chỉ mong có thể mua được hoặc thuê được với giá phù hợp. Để không phải vật lộn trả nợ cả đời hay thấp thỏm mỗi tháng khi đến kỳ đóng tiền trọ. Nhà ở xã hội không thể chỉ là nơi che nắng che mưa, mà cần là nơi giúp người lao động có thể “thở được” giữa bộn bề cuộc sống, có thời gian chăm lo cho gia đình, vui chơi, giải trí, học tập và tái tạo sức lao động. Một chính sách nhà ở xã hội đúng nghĩa, không chỉ mang lại chỗ ở mà còn đem lại niềm tin. Tin rằng, Nhà nước luôn bên cạnh người lao động. Tin rằng, sự phát triển không bỏ ai lại phía sau. Và tin rằng, mỗi người dân đều xứng đáng có một mái nhà cho riêng mình. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội đã lắng nghe. Xin hãy hành động để ước mơ về một cuộc sống ổn định, được sống như con người, không còn là giấc mơ xa vời đối với người lao động. Trân trọng, Người lao động thu nhập thấp |
![]() Ngày 19/4/2025, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) tổ chức Lễ khởi công xây dựng Tòa nhà B1, B2 ... |
![]() UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội năm 2025. Theo đó, địa phương phấn đấu đạt ... |
![]() Trước tình hình một số địa phương còn chậm trễ trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây ... |