Cầu tăng mạnh đẩy giá biệt thự, liền kề tiếp tục tăng cao
Thông tin trên được trang Batdongsan.com.vn cho biết tại báo cáo Thị trường bất động sản tháng 4 vừa được công bố.
Theo báo cáo, trong tháng 4/2022, trong khi nhu cầu tìm mua hầu hết các loại hình bất động sản (BĐS) có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, như nhà riêng giảm 9%, đất nền giảm 8%, thì biệt thự, liền kề lại ghi nhận lượng quan tâm tăng trung bình 7% trên cả nước; trong đó, nhiều tỉnh có lượt tìm kiếm loại hình này tăng mạnh. Điển hình là Quảng Nam tăng đến 167%, Hưng Yên tăng 43%, Khánh Hòa tăng 18%, Quảng Ninh tăng 14%. Nguồn cung biệt thự, liền kề toàn quốc cũng tăng 17%.
Theo báo cáo, cùng chiều với lượng quan tâm, giá bán biệt thự, liền kề cũng tăng đáng kể, đặc biệt là tại các quận, huyện ở Hà Nội và TP.HCM. Giá rao bán biệt thự, liền kề tại Gia Lâm, Hoàng Mai, Hoài Đức (Hà Nội) tăng lần lượt là 82%, 46%, 39% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, chỉ số này ở Tân Bình, Quận 7, Quận 9 (TP.HCM) cũng ghi nhận mức tăng 60%, 35% và 25%.
Lý giải “sức nóng” của loại hình biệt thự, liền kề, các chuyên gia của Batdongsan.com.vn nhận định, trước những thông tin về lạm phát, người mua BĐS hiện nay ưu tiên những sản phẩm BĐS có nhu cầu mua bán, cho thuê cao, có lịch sử thanh khoản và sinh lời tốt. Biệt thự, liền kề là một trong những loại hình BĐS tăng giá tốt và có tỷ lệ giao dịch thành công cao nhất trong năm 2021 nên tiếp tục thu hút lượng quan tâm lớn.
Liên quan đến phân khúc này, báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý 1/2022 được Savills phát hành mới đây cho biết, trong quý 1/2022, tổng nguồn cung mới biệt thự/nhà liền kề tại Hà Nội đạt 801 căn, tăng 227% theo quý nhưng vẫn giảm -15% theo năm, đến từ hai dự án mới và các giai đoạn tiếp theo của 3 dự án đang bán. Trong đó, dự án Eurowindow Twin Parks tại huyện Gia Lâm dẫn đầu nguồn cung mới với 46% thị phần; nguồn cung mới còn lại đến từ các quận/huyện bao gồm Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, và Hoàng Mai.
Nguồn cung sơ cấp đạt 1.513 căn, tăng 35% theo quý nhưng giảm -24% theo năm, được phân bổ đồng đều khắp thành phố. Phía Đông (huyện Gia Lâm) chiếm 25%, trong khi phía Tây bao gồm huyện Hoài Đức và quận Hà Đông cũng có 25% nguồn cung sơ cấp. Quận Hoàng Mai tại phía Nam chiếm 22% trong khi các quận/huyện tại phía Bắc bao gồm Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, và Đông Anh có tổng cộng 28% thị phần.
Về giao dịch, trong quý có 666 căn bán được, tăng 62% theo quý nhưng giảm -29% theo năm. Huyện Hoài Đức ghi nhận lượng giao dịch cao nhất với 33% thị phần, theo sau là quận Bắc Từ Liêm với 23%; trong đó, nhà liền kề và nhà phố chiếm 82% lượng giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ đạt 44%, tăng 7 điểm % theo quý nhưng giảm -3 điểm % theo năm. Tỷ lệ hấp thụ cho nguồn cung mới đạt 59%.
Đáng chú ý, báo cáo cho biết, giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 134 triệu đồng/m2 đất, giảm -26% theo quý nhưng tăng 30% theo năm. Giá trung bình của nhà liền kề là 185 triệu đồng/m2 đất, tăng 8% theo quý và 73% theo năm. Với nhà phố, giá trung bình khoảng 323 triệu đồng/m2 đất, tăng 35% theo quý và 79% theo năm.
Giai đoạn tiếp theo có giá bán cao hơn đáng kể so sánh với các giai đoạn trước. Giá nhà phố của giai đoạn sau tại quận Hoàng Mai ghi nhận mức tăng 56% theo quý trong khi huyện Hoài Đức ghi nhận mức tăng 42% theo quý cho nhà liền kề và 26% theo quý cho nhà phố tại các giai đoạn tiếp theo.
Theo báo cáo, kể từ quý 3/2021, giá bán sơ cấp liên tục ghi nhận mức giá cao nhất từ trước tới nay. Quý 4/2021 ghi nhận giá bán trung bình cao nhất ở mức 381 triệu đồng/m2 đất tại quận Tây Hồ. Tuy nhiên, mức giá này đã bị vượt qua trong quý 1/2022 với mức 417 triệu đồng/m2 đất đến từ sản phẩm nhà phố tại quận Hoàng Mai.