Chính phủ muốn kiểm toán khi chỉ định thầu dự án cao tốc Bắc-Nam
Kiểm toán Nhà nước chủ trì, phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thực hiện kiểm toán các gói thầu xây lắp trước khi chỉ định thầu là kiến nghị mà Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề cập trong báo cáo thừa ủy quyền Thủ tướng gửi đại biểu Quốc hội về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 với nội dung chủ yếu: Dự án gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố.
Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, đầu tư theo hình thức đầu tư công. Tiến độ Dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.
Theo báo cáo thì sau khi các dự án thành phần được phê duyệt, để triển khai theo đúng tiến độ yêu cầu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT xây dựng tiến độ triển khai chi tiết để bảo đảm khởi công các gói thầu đầu tiên vào cuối năm 2022. Bộ GTVT đã khẩn trương chỉ đạo các chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn để khảo sát và lập thiết kế kỹ thuật các dự án. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn. Công tác lập hồ sơ thiết kế, dự toán, thẩm tra, thẩm định đang được tiến hành song song đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Chính phủ đã giao Bộ GTVT có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước đề nghị phối hợp thực hiện kiểm toán các gói thầu xây lắp trước khi chỉ định thầu.
Công tác lập thiết kế kỹ thuật hiện nay đang bám sát tiến độ yêu cầu, bảo đảm phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán làm cơ sở lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công các dự án vào cuối năm 2022.
Dự án được bố trí vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 119.666 tỷ đồng, cân đối từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
5 năm 2021 - 2025 là 47.169 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 72.497 tỷ đồng.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT 47.169 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Đối với vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ được Thủ tướng Chính phủ giao và tập trung giải ngân trong năm 2023.
Căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GTVT đã bố trí 257 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư và 8.334,762 tỷ đồng cho công tác GPMB trong năm 2022. Đến ngày 15/9/2022, Dự án đã giải ngân được 212,621 tỷ đồng của công tác chuẩn bị đầu tư. Hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện giải ngân đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Triển khai thực hiện nội dung Quốc hội giao Chính phủ: “xây dựng phương án, tổ chức thực hiện thu hồi vốn đầu tư Dự án để hoàn trả vào ngân sách trung ương”, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chuẩn bị nội dung trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư. Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan để hoàn thành dự thảo Nghị quyết và sớm trình Quốc hội thông qua.
Trình bày khó khăn, vướng mắc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án và cần ưu tiên thực hiện trước một bước để bảo đảm tiến độ thi công. Chính phủ đã có các chỉ đạo, các địa phương đã quyết liệt, tập trung thực hiện, tuy nhiên do khối lượng GPMB lớn, trải dài qua nhiều địa phương, quá trình thực hiện tiềm ẩn nhiều vấn đề phát sinh (xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường, khiếu nại của người dân...), gây ảnh hưởng đến trực tiếp đến đời sống, sinh kế của người dân nên tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng tiến độ. Để triển khai công tác GPMB đáp ứng tiến độ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân.
Nguồn vật liệu cát đắp cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của các dự án trong khu vực. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa nguồn cát hiện có, bổ sung các mỏ mới, nghiên cứu sử dụng các nguồn vật liệu thay thế nhưng vẫn còn nguy cơ thiếu hụt cát đắp ảnh hưởng đến tiến độ Dự án. Để triển khai thi công hoàn thành Dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn về nguồn cát đắp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của Dự án.
Để bảo đảm việc triển khai Dự án theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 44/2022/QH15, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, thường xuyên giám sát tình hình thực hiện Dự án; chỉ đạo các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.
Cùng đó, có ý kiến với Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương có Dự án đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án; thực hiện việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra xung đột, khiếu kiện phức tạp, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân; phối hợp cùng Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, phòng ngừa vi phạm.
Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT thực hiện kiểm toán các gói thầu xây lắp trước khi chỉ định thầu.