Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phấn đấu tăng trưởng ít nhất 2 con số |
Ngày 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Tại đây, đại diện các doanh nghiệp tư nhân đã chia sẻ về tâm tư, nguyện vọng, các sáng kiến, cách làm mới, thể hiện tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, các đề xuất giải quyết những bài toán lớn của quốc gia, từ đó phát huy tối đa mọi sức mạnh của các doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy doanh nghiệp tăng tốc, bứt phá, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước năm 2025, giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tới.
Vingroup cam kết tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước
Ông Nguyễn Việt Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết: “Với nhận thức doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế, trong những năm qua Vingroup đã không ngừng nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực mang tính chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững. Điển hình là Vinfast, một dự án mà chúng tôi đã kỳ vọng tạo nên hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng xanh, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng”.
Vingroup xác định việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa cho xe điện Vinfast là chìa khóa để phát triển bền vững đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Đặc biệt với mục tiêu góp phần giảm phát thải, Vinfast đóng vai trò tiên phong trong làn sóng chuyển đổi xanh của Việt Nam, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Việt Quang cho biết Vingroup xác định việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa cho xe điện Vinfast là chìa khóa để phát triển bền vững. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Bên cạnh công nghiệp hỗ trợ và năng lượng xanh, Vingroup cũng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong quản lý vận hành. Các lĩnh vực về nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn cũng được triển khai để tối ưu hóa sản xuất, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Mới đây Vingroup đã đặt chân vào lĩnh vực sẽ là xu hướng của tương lai là robot học, người máy đa năng với việc thành lập 2 công ty mới và VinRobotics, Vin Motion để phát triển các giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp và tạo ra những lợi ích thiết thực bền vững và nhân văn cho con người.
“Trong hành trình phát triển, Vingroup xác định việc nghiên cứu và đổi mới công nghệ là yếu tố cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn về công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu”, ông Nguyễn Việt Quang cho biết.
Trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi phương tiện gây ô nhiễm, phát triển công nghệ số đòi hỏi phải phát triển năng lượng, Vingroup đề xuất cần có cơ chế chính sách thông thoáng hơn để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia kinh doanh điện, góp phần đảm bảo đủ sản lượng, giảm giá thành điện. Đồng thời thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật quốc gia, hoàn thiện khung pháp lý và đẩy mạnh áp dụng các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư như xây dựng vận hành được giao BOT, xây dựng - sở hữu - vận hành BOO, xây dựng - chuyển giao (BT).
Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, Vingroup cam kết đóng vai trò là một trong những doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước.
“Bình dân hóa” trí tuệ nhân tạo
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề nghị “bình dân AI vụ”. Theo đó, ngày trước, vào những năm khó khăn nhất, những năm kháng chiến khi chính quyền còn yếu, còn nghèo, Bác Hồ đặt vấn đề “bình dân học vụ”. Bây giờ là cơ hội đến, đặc biệt trong dịp Tết này chúng ta nghe nhiều về DeepSeek. DeepSeek làm cho “bình dân hóa trí tuệ nhân tạo”, tức là các công ty nhỏ cũng làm được, các công ty vừa và nhỏ cũng đã áp dụng được.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đề nghị, nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
“Cơ hội đang đến, tôi đề nghị đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục và chúng tôi là những người trực tiếp triển khai vào hệ thống giáo dục, chúng tôi đưa cả vào lớp 1 được, nhưng cần nhất là vai trò của Nhà nước, chỉ đạo bằng được để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Mong muốn có chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án trung hòa carbon
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết: “Hơn 30 năm qua, Tập đoàn BRG hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bán lẻ, dịch vụ, du lịch. Trong thời điểm quan trọng của năm 2025, chúng tôi cam kết xây dựng thành phố thông minh Bắc Hà Nội là một thành phố có rất nhiều tính năng thông minh, từ năng lượng, di chuyển, quản lý, giáo dục, y tế, kinh tế và sẽ có tiện ích tốt nhất cho người dân”. Ở đây, có một điểm đặc biệt, đó là thành phố trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới. Đặc biệt, sẽ có các giải pháp để giảm 50% chi phí cho năng lượng cho các hộ gia đình.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Nga cũng nêu một số đề nghị. Thứ nhất, trong năm 2024, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP trên 7%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi. Bộ Tài chính đang đề nghị tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất. Doanh nghiệp được giảm tiền thuê đất rất phấn khởi nhưng tiền thuế thu nhập lại tăng lên cho nên doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy, bà Nga đề nghị Thủ tướng và các Phó Thủ tướng xem xét tiếp tục giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong năm 2024 và năm 2025, không chỉ trong 6 tháng mà cho cả năm. Còn doanh nghiệp nào được giảm thì cần xét rất kỹ, nếu không xứng đáng thì cũng không được hỗ trợ. Đây thực sự là một điều khích lệ rất thiết thực cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, bà Nga đề nghị có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án xây dựng và trung hòa carbon, bao gồm cả thuế và thủ tục hành chính; có các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng sáng tạo để khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Điều này góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà Thủ tướng đã cam kết với quốc tế, với mục tiêu đến năm 2050 Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu Net Zero.
Bà Nga cũng đề xuất có các chương trình, sáng kiến cấp quốc gia về đổi với sáng tạo, phát triển bền vững để các doanh nghiệp có thể tham gia và có những người hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Đầu tư của tư nhân vào năng lượng mang tính sống còn
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, EVN rất mong muốn, hoan nghênh và ủng hộ sự đầu tư của các doanh nghiệp vào phát điện. Hiện nay, các tập đoàn nhà nước chỉ chiếm có 48% công suất của cả nước, như vậy 52% còn lại là do khối tư nhân. Đầu tư của tư nhân vào năng lượng mang tính sống còn, rất mong các tập đoàn sẽ tiếp tục sự nghiệp này và nếu được thì đề nghị Chính phủ, Thủ tướng có cơ chế giao cho tập đoàn lớn đảm trách các nguồn việc lớn.
Xử lý nghiêm doanh nghiệp, sàn môi giới có hiện tượng tăng giá bất động sản bất thường UBND TP Hà Nội giao các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ... |
Loạt doanh nghiệp tuyển lao động lương hơn 50 triệu đồng Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, thị trường lao động Đà Nẵng đang chứng kiến sự sôi động với nhiều doanh nghiệp tung ra các ... |
Tháng 1/2025, hơn 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, nguyên nhân do đâu? Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tình hình đăng ký doanh nghiệp cả nước trong tháng 1/2025 nhìn chung có nhiều điểm sáng ... |