Loạt doanh nghiệp tuyển lao động lương hơn 50 triệu đồng |
Hơn 33,4 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2025 đạt hơn 33,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024 và tăng 77,5% so với tháng trước. Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng đạt gần 10,7 nghìn doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là gần 94,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 81,5 nghìn lao động, giảm 30,3% về số doanh nghiệp, giảm 39,3% về vốn đăng ký và giảm 22,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động trong tháng 1/2025 tăng mạnh, đạt hơn 367,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2024. Điều này phản ánh kỳ vọng tích cực vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam và niềm tin của các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường vào các chính sách điều hành kinh tế linh hoạt, chủ động của Chính phủ, trong đó có việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.
Về quy mô và lĩnh vực hoạt động, phần lớn doanh nghiệp thành lập mới có quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với gần 10 nghìn doanh nghiệp (chiếm 93,6% và giảm 28,9% so với cùng kỳ năm 2024), chủ yếu thuộc khu vực dịch vụ với gần 8 nghìn doanh nghiệp, chiếm 75,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 30,4%.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tháng 1/2025 đạt 22,8 nghìn doanh nghiệp, gấp gần 2,6 lần tháng trước và tăng 65,2% so với cùng kỳ năm 2024. Ở tất cả các ngành đều có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 219 doanh nghiệp, tăng 79,5%; kinh doanh bất động sản có 974 doanh nghiệp, tăng 51%;…
![]() |
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Hơn 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong tháng 1/2025 có hơn 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, 52,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (chiếm 90,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,2%); 3,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (chiếm 6%, giảm 55,2%) và 2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (chiếm 3,5% và giảm 8,3%).
Cùng với những nguyên nhân khách quan về bối cảnh kinh tế thế giới và năng lực nội tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, thoe Tổng cục Thống kê, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số doanh nghiệp rút lui tăng cao là do tháng 1/2025 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Đây là tình trạng có tính mùa vụ, nhiều doanh nghiệp không lựa chọn đăng ký thành lập vào thời điểm đầu năm tài chính và trước Tết Nguyên đán do đặc thù của hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lựa chọn thời điểm này để tạm ngừng hoạt động và tiến hành sắp xếp, tổ chức lại hoạt động hoặc chuyển đổi sang ngành nghề, lĩnh vực khác.
Ngoài ra, theo quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, bên cạnh các doanh nghiệp thành lập mới, luôn có một tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, phá sản nhất định do tính cạnh tranh, sự đào thải, thanh lọc tất yếu trong thị trường.
Tình trạng rút lui này cho thấy sự linh hoạt, nhạy bén của các doanh nghiệp, nhanh chóng thay đổi mô hình hoạt động để đáp ứng tốt hơn và ngày càng phù hợp với các yêu cầu mới của thị trường. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển những ý tưởng kinh doanh mới chất lượng hơn, nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển của thị trường.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, Việt Nam có nền kinh tế mở, năng động, đang có nhiều triển vọng, khoa học công nghệ không ngừng phát triển thì sức ép đối với doanh nghiệp càng lớn, tính cạnh tranh, thanh lọc càng thể hiện rõ rệt.
Cùng với đó, môi trường kinh doanh hiện nay còn nhiều thách thức. Đó là những rào cản về ngành nghề, điều kiện kinh doanh đang cản trở hoạt động và làm tăng chi phí tuân thủ, làm giảm động lực đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 1/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước thể hiện sự vận động bình thường theo xu hướng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu cảnh báo cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp căn cơ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhanh, bền vững, hiệu quả.
Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, ổn định sản xuất kinh doanh
Tổng quan tình hình đăng ký doanh nghiệp cả nước trong tháng 1/2025 tuy còn một số khó khăn nhưng cũng có nhiều điểm sáng khởi sắc, là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế, tạo động lực mới, khí thế mới để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và phát triển của cả năm 2025.
Để tiếp tục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, theo Tổng cục Thống kê, cần tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng; tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các FTA với các đối tác còn nhiều tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng. Đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ một số ngành có thể bị tác động do ảnh hưởng của kinh tế thế giới như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ…
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên kích cầu đầu tư công vào các dự án sắp hoàn thành, nhanh chóng đưa vào sử dụng các dự án có quy mô lớn, có tiềm năng góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhờ đó, kích thích các doanh nghiệp gia nhập thị trường nhiều hơn để phát triển sản xuất.
Thứ năm, xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật…
Thứ sáu, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng các mô hình chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững: cắt giảm phát thải carbon, phát triển công nghệ sạch, chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo, giao thông sạch, nông nghiệp bền vững.
![]() Quảng Ngãi với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, đang chứng kiến một thị trường lao động sôi động vào đầu ... |
![]() UBND TP Hà Nội giao các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ... |
![]() Mặt bằng chung năm nay, mức tiền lương, tiền thưởng Tết ở các khối doanh nghiệp có tăng hơn so với năm 2024. Nhiều công ... |