Giá mua bán xăng lậu trên biển thấp hơn giá hợp pháp 5.000-6.500 đồng/lít
Một vụ vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển bị lực lượng cảnh sát biển phát hiện - Ảnh: BCĐ389 |
Thông tin tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Đại tá Vũ Trung Kiên, Phó tư lệnh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, tại vùng biển phía Nam và Tây Nam, lực lượng làm nhiệm vụ đã phát hiện nhiều tàu cá loại lớn, tàu dịch vụ hậu cần, tàu hàng… vận chuyển xăng dầu nhập lậu.
Bề ngoài những con tàu này giống như tàu cá, tàu hàng hoạt động bình thường vì giữ nguyên kết cấu, màu sơn, nhưng thực chất các hầm hàng đã hoán cải thành hầm chở xăng dầu. Có đối tượng còn sử dụng chính tàu cá của ngư dân, lôi kéo ngư dân cùng tham gia vận chuyển xăng dầu trái phép.
Theo nhận định của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, thời gian qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp trở lại, nhất là mặt hàng xăng dầu. Các đối tượng đã lôi kéo, hình thành nhiều đường dây, tổ chức hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu có quy mô lớn.
Đại tá Vũ Trung Kiên cho biết, hiện tại, giá nhiên liệu mua bán bất hợp pháp trên biển thấp hơn nhiên liệu hợp pháp ở trong bờ từ 3.000-4.500 đồng/lít (dầu DO) và 5.000-6.500 đồng/lít (xăng). Do đó, nếu một chuyến vận chuyển trót lọt 200.000 lít, các đối tượng thu lợi khoảng 600-900 triệu đồng với dầu DO và 1-1,3 tỷ đồng với xăng. Điển hình như vụ việc tại vùng biển phía Nam vào cuối tháng 6/2022, lực lượng cảnh sát biển đã bắt giữ tàu HP-90979-TS vận chuyển 500m3 dầu DO, giá trị tương đương gần 20 tỷ đồng.
Qua đấu tranh, lực lượng cảnh sát biển nhận thấy phương thức, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, thay đổi liên tục, khiên cho công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Thời gian gần đây, xuất hiện một số đối tượng trong nước móc nối với đối tượng nước ngoài, thu mua xăng dầu với giá rẻ hơn về bán lại để thu lợi nhuận chênh lệch. Trước tiên, các đối tượng ở Việt Nam giao dịch với đầu nậu ở Thái Lan, Campuchia… thỏa thuận xong về giá, địa điểm, thời gian, phương thức giao nhận và thanh toán, sau đó sử dụng các tàu cải hoán, núp bóng với danh nghĩa đi đánh cá để đến nhận dầu tại các tọa độ hẹn trước, rồi mang về bán lại cho tàu cá Việt Nam.
Đáng lưu ý, các đối tượng còn bơm nước vào phương tiện nhằm đánh lừa về tải trọng để hành trình ra biển, khi đến điểm nhận hàng, nước được bơm ra để nhận xăng dầu lậu, thậm chí sử dụng chính bộ hóa đơn, chứng từ hợp pháp để hợp thức hóa cho số xăng dầu lậu. Địa bàn trọng điểm là khu vực biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình; khu vực biển phía Nam Côn Đảo (giáp ranh với Indonesia, Malaysia); khu vực biển Tây Nam (giáp ranh với Thái Lan, Campuchia).
Đối tượng chủ mưu, cầm đầu chỉ đứng sau điều hành và sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau để thực hiện hành vi vi phạm. Đối tượng tham gia hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép xăng, dầu trên biển rất đa dạng, nhiều thành phần, thậm chí có cả doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu; cá nhân kinh doanh “chui”, lao động làm thuê, ngư dân trên các tàu đánh cá…
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, các vụ việc do lực lượng cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ, xử lý đều thường có số lượng lớn, hàng hóa có giá trị nhiều tỷ đồng, do đó các đối tượng thường che giấu rất tinh vi. Các đối tượng mua bán xăng dầu trên biển đều móc nối giao nhận hàng hóa, tiền thông qua trung gian, hoạt động khép kín. Việc giao, nhận xăng, dầu diễn ra trên biển, nhưng việc giao nhận tiền lại diễn ra trên đất liền; người nhận tiền là người địa phương khác và chỉ liên lạc qua điện thoại bằng sim “rác” nên việc xác định chủ đầu nậu, chứng minh yếu tố buôn lậu, xử lý tận gốc gặp nhiều khó khăn.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa tiếp tục diễn biến phức tạp, Đại tá Vũ Trung Kiên đề xuất các bộ, ngành, các lực lượng chức năng và các địa phương cần tăng cường hơn nữa trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên các địa bàn.
Lực lượng cảnh sát biên sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương trong trao đổi thông tin, tình hình và đấu tranh, xử lý.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, lực lượng cảnh sát biển cũng đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, kể cả trên các tàu thuyền của ngư dân đang đánh bắt xa bờ. Đồng thời phát tờ rơi, tuyên truyền về phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng, tác hại của các hành vi vi phạm do đối tượng gây ra đến nền kinh tế, đời sống người dân.