Giá vốn và chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận của TTC Sugar (SBT)
Ảnh: TTC Sugar |
CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, mã SBT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 niên độ 2021 - 2022 (bắt đầu ngày 1/4 kết thúc ngày 30/6/2022) với doanh thu thuần đạt 5.508 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu bán đường chiếm tỷ trọng khoảng 90%, tương đương 4.956 tỷ đồng, kế đến là các sản phẩm mật đường, phân bón và điện.
Tuy nhiên, trong kỳ, giá vốn hàng bán còn tăng cao hơn cả tốc độ tăng trưởng doanh thu, tăng 44% lên khoảng 4.987 tỷ đồng khiến biên lợi nhuận gộp giảm còn 9,5% so với 14% cùng kỳ năm ngoái.
Bù lại doanh thu tài chính tăng 37,5% so với cùng kỳ lên 275 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi tiền gửi ngân hàng, cho vay, lãi từ khoản ứng trước cho nhà cung cấp và khoản đặt cọc; lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái và một số doanh thu tài chính khác.
Trong khi đó chi phí tài chính tăng hơn 50 tỷ so với cùng kỳ lên 298 tỷ đồng (chi phí lãi vay chiếm 218 tỷ đồng) và chi phí bán hàng tăng hơn 19% lên 168 tỷ, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 46,5% xuống 189 tỷ đồng.
Như vậy, dù doanh thu tăng mạnh song biên lợi nhuận gộp thu hẹp cộng với tổng chi phí gia tăng đã khiến lợi nhuận sau thuế của TTC Sugar đi ngang so với cùng kỳ, đạt 170 tỷ đồng.
Lũy kế niên độ 2021-2022, TTC Sugar ghi nhận doanh thu thuần 18.325 tỷ đồng, tăng 23% so với niên độ trước; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.002 tỷ đồng và lãi sau thuế 818 tỷ đồng, tăng lần lượt 28% và 25,7% so với niên độ 2020-2021.
Niên độ 2021-2022, công ty đặt mục tiêu đạt 16.905 tỷ đồng doanh thu và 750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, công ty đã vượt 8% kế hoạch doanh thu và 34% kế hoạch lợi nhuận.
Lý giải về kết quả trên, TTC Sugar cho biết là nhờ trong niên độ vừa qua công ty đã xây dựng các chính sách bán hàng hiệu quả, mở rộng thị phần và nâng cao các hoạt động sản xuất, gia tăng hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của công ty đạt khoảng 27.457 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó lượng tiền và các khoản đương tiền là 2.526 tỷ đồng, tăng 38,6%. Ngoài ra, công ty còn có 1.255 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng trong nước.
Đến cuối tháng 6, nợ phải trả của TTC Sugar là 17.827 tỷ đồng, tăng gần 47% so với một năm trước. Đặc biệt nợ ngắn hạn của công ty đã tăng hơn 76% lên 15.124 tỷ đồng, trong đó có 8.785 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn. Trong khi đó, nợ dài hạn lại giảm hơn 35%, còn 2.703 tỷ đồng, trong đó có 2.400 tỷ đồng là nợ vay dài hạn từ ngân hàng và trái phiếu. Tổng nợ vay chiếm khoảng 41% cơ cấu nguồn vốn. Chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ là 218 tỷ đồng.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 niên độ 2021 - 2022 TTC Sugar |
Đáng chú ý, giá trị tồn kho của công ty tính đến ngày 30/6 đã tăng lên đáng kể so với thời điểm 1 năm trước. Giá trị tồn kho đến ngày 30/6 là 4.509 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Dự phòng hàng tồn kho theo đó cũng tăng gần 28% lên gần 23 tỷ đồng.
Trong cơ cấu tồn kho, lượng hàng hóa vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất chứng tỏ nguồn hàng của công ty còn khá dồi dào, trong khi thành phẩm giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Tại ngày 30/6/2022, một phần hàng tồn kho được dùng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - Chi nhánh Đồng Nai (khoảng 431 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh ĐăkLăk (564 tỷ đồng).
Ngày 01/8/2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Camphuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar. Quyết định được đưa ra nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước và người nông dân trồng mía, đường nhập khẩu từ 5 quốc gia trên có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan với tổng mức thuế là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%. Đường nhập khẩu từ 5 quốc gia nếu chứng minh được sản xuất từ mía thu hoạch tại các quốc gia này sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh. Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có hiệu lực sau 7 ngày kể từ ngày quyết định được ban hành cho đến ngày 15/6/2026, trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo các quyết định khác của Bộ Công Thương. Theo đánh giá của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc áp thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN sẽ tạo công bằng cho các doanh nghiệp trong nước với đường né thuế và đường nhập lậu, về ngắn hạn sẽ giúp các doanh nghiệp đường tiêu thụ được sản phẩm và có lợi nhuận, về dài hạn sẽ giúp phục hồi vùng nguyên liệu mía của Việt Nam đang bị giảm sút nghiêm trọng. |