![]() |
Kết quả khảo sát mới đây về đánh giá bức tranh hiện trạng cùng các triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2023 với gần 10.000 doanh nghiệp cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo khảo sát, trong các tháng còn lại của năm 2023 có tới 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh. Trong đó, 10,9% doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể; 12,4% doanh nghiệp dự kiến tạm ngừng kinh doanh; 38,5% doanh nghiệp dự kiến giảm mạnh quy mô và 20,5% doanh nghiệp dự kiến giảm nhẹ quy mô.
Khảo sát cũng chỉ ra những khó khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt. Trong đó, khó khăn về đơn hàng (59,2%); khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51,1%); thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%); nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%).
Niềm tin của DN đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp. Có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Các đánh giá rất tích cực/tích cực chỉ chiếm 4,2% các doanh nghiệp được khảo sát.
Tương tự, có đến 83,7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/rất tiêu cực, trong đó có 29,6% là rất tiêu cực.
Dựa trên kết quả khảo sát, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) bày tỏ mong muốn được Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và chính quyền các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng 4 nhóm kiến nghị để lựa chọn áp dụng hoặc tham mưu áp dụng ngay các giải pháp phù hợp.
Một là giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong đó, kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn COVID-19, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023; Đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp, tránh kéo dài như hiện nay. Đưa thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu về mức 5-10% để tạo sức cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác.
Bên cạnh đó, tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí lao động.
Hai là kiến nghị nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay. Với các nhóm bất động sản liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất kiến nghị không siết tín dụng.
Đồng thời, cho phép ngân hàng thương mại trong nước được mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt vì lượng trái phiếu này có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của các doanh nghiệp trong nước.
Ba là sớm hoàn thành điều tra các vụ án hiện tại để doanh nghiệp ổn định tư tưởng, tập trung sản xuất, kinh doanh. Cần có nghị quyết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự như những năm 1997-2000; Hạn chế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (không quá 1 năm/lần) và không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính. Có cơ chế và quy định pháp lý rõ ràng đối với các chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp để cán bộ các cấp có thể thực hiện mà không lo bị phạm lỗi...
Bốn là kiến nghị phát huy trọng tâm vai trò của ngoại giao kinh tế và đàm phán thương mại vào việc phát triển, đa dạng hóa thị trường đầu vào và đầu ra để giảm sự phụ thuộc các thị trường truyền thống. Nghiên cứu xây dựng các kênh thông tin tập trung để phân tích, dự báo về các xu hướng kinh tế, kinh doanh quốc tế, cập nhật các ưu đãi phát triển và cảnh báo rủi ro... để hỗ trợ doanh nghiệp.