Kinh tế tư nhân thành trụ cột, người lao động là lực đẩy |
Trong suốt gần bốn thập kỷ đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân từng bước chuyển mình từ vị trí “thành phần kinh tế phụ” trở thành một lực lượng không thể thay thế. Tuy nhiên, chỉ đến khi bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm được công bố thì vai trò này mới được định danh rõ ràng và đầy đủ trong tầm nhìn chiến lược quốc gia.
![]() |
Khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang vươn lên như một trụ cột chiến lược. |
Tổng Bí thư khẳng định: “Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030”. Đây là một bước ngoặt nhận thức có tính lịch sử, tạo tiền đề cho các đột phá chính sách nhằm đưa khu vực tư nhân trở thành "mũi nhọn" trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Kinh tế tư nhân không còn là "bổ trợ"
Một trong những điểm nhấn đặc biệt trong bài viết là tư tưởng cải cách thể chế kinh tế thị trường hiện đại theo hướng minh bạch, bình đẳng và loại bỏ cơ chế xin – cho. Tổng Bí thư yêu cầu: “Phải xóa bỏ mọi rào cản, minh bạch hóa chính sách, loại bỏ lợi ích nhóm trong phân bổ nguồn lực”.
Tư duy này thể hiện rõ nét mô hình “Nhà nước kiến tạo phát triển”, nơi vai trò của Nhà nước là bảo vệ quyền sở hữu, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích tinh thần doanh nhân. Sự chuyển đổi từ một “Nhà nước quản lý” sang “Nhà nước đồng hành” chính là yếu tố nền tảng giúp khu vực tư nhân yên tâm đầu tư, đổi mới sáng tạo và mở rộng quy mô.
Tổng Bí thư đề cập cụ thể tới việc xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn có khả năng hội nhập sâu, cạnh tranh toàn cầu. Đây là điểm giao thoa giữa tầm nhìn quốc gia và bài học từ các nền kinh tế thành công như Hàn Quốc (chaebol), Nhật Bản (keiretsu) và Trung Quốc (các tập đoàn tư nhân công nghệ).
Chiến lược này cho thấy quyết tâm của Việt Nam không chỉ dừng lại ở phát triển số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn hướng đến hình thành “cột trụ quốc gia” trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng, năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tổng Bí thư chỉ rõ nhiều bất cập kìm hãm khu vực kinh tế tư nhân, như khó tiếp cận đất đai, tín dụng, rào cản hành chính, thiếu minh bạch trong phân bổ nguồn lực. Ngay cả khi doanh nghiệp tư nhân tạo ra 82% việc làm và hơn 50% GDP, họ vẫn phải chịu “đối xử không bình đẳng” so với doanh nghiệp nhà nước hoặc FDI.
Bài viết vì vậy là lời “hiệu triệu” hành động: “Cần có chính sách khơi thông nguồn lực, tài chính, nhân lực, công nghệ cho tư nhân. Đồng thời, phát triển các kênh huy động vốn hiện đại như thị trường chứng khoán, fintech, quỹ đầu tư mạo hiểm… để khu vực này thật sự bứt phá”.
![]() |
Nếu kinh tế tư nhân là “đòn bẩy” để Việt Nam vươn tầm, thì người lao động là “trục truyền lực” và công đoàn là “bộ giảm chấn”, giữ cho hệ thống hoạt động trơn tru, nhân văn và hiệu quả. |
Một điểm nhấn nhân văn trong bài viết là yêu cầu kinh tế tư nhân không chỉ hướng đến lợi nhuận, mà phải “có trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh và phát triển bền vững”. Tư tưởng này nhấn mạnh doanh nghiệp tư nhân không được phát triển bằng mọi giá, mà cần quan tâm tới đời sống người lao động, bảo vệ môi trường, và đóng góp vào sự thịnh vượng chung.
Đây cũng là cơ sở để tổ chức công đoàn, cơ quan quản lý và doanh nghiệp tái cấu trúc mô hình quan hệ lao động, thúc đẩy phát triển con người song hành với phát triển kinh tế.
Tổng Bí thư kết luận: “Một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực nhà nước hay đầu tư nước ngoài, mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh”.
Thông điệp này thể hiện tư duy tự cường, nội sinh, dám bứt phá, và mở ra thời kỳ mới, nơi doanh nghiệp tư nhân không chỉ là người làm ăn, mà là đối tác đồng hành cùng Nhà nước và nhân dân trong xây dựng quốc gia hiện đại.
Bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là lời khẳng định mạnh mẽ về vai trò then chốt của khu vực kinh tế tư nhân, mà còn mở ra một tầm nhìn sâu rộng về vai trò trung tâm của người lao động và yêu cầu cải cách tổ chức công đoàn để thích ứng với giai đoạn phát triển mới.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tầm nhìn của Tổng Bí thư đang tạo ra những định hướng chiến lược giúp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
Người lao động là “lực đẩy” cốt lõi
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, khu vực kinh tế tư nhân hiện đang tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm trên 82% lực lượng lao động xã hội. Đây là con số không chỉ thể hiện sức mạnh của khu vực tư nhân, mà còn cho thấy người lao động chính là "động cơ phát triển" của nền kinh tế quốc dân.
![]() |
Một công đoàn hiện đại không thể đứng ngoài chiến lược phát triển của doanh nghiệp. |
Từ đây, có thể thấy một thông điệp rất rõ, phát triển kinh tế tư nhân không thể tách rời phát triển con người lao động. Việc cải thiện môi trường kinh doanh, mở rộng sản xuất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… chỉ có thể trở thành hiện thực khi người lao động được bảo vệ, đào tạo và khuyến khích phát huy năng lực sáng tạo.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Một nền kinh tế vững mạnh không thể hình thành nếu không có người dân hăng say lao động, nhà nhà làm kinh tế, ai cũng thấy có cơ hội phát triển”.
Trong bối cảnh khu vực tư nhân ngày càng mở rộng và trở thành trụ cột, mô hình tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp tư nhân cũng cần phải chuyển mình mạnh mẽ. Không thể duy trì vai trò thụ động, hành chính hóa như trước, công đoàn phải trở thành đối tác phát triển. Đó là, vừa bảo vệ quyền lợi người lao động, vừa góp phần nâng cao năng suất, văn hóa doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, bài viết của Tổng Bí thư đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, chăm lo đời sống người lao động, từ đó mở ra một “kênh chính trị” rất rõ ràng để công đoàn trở thành lực lượng giám sát và đồng kiến tạo các chính sách nhân sự, phúc lợi, đào tạo trong doanh nghiệp tư nhân.
Công đoàn trong doanh nghiệp tư nhân phải hành động như một tổ chức của người lao động chứ không phải đơn thuần là ‘chi nhánh hành chính’. Công đoàn cần đứng vào trung tâm của sự thay đổi.
Tầm nhìn đến năm 2030 và xa hơn đến 2045 mà Tổng Bí thư vạch ra đang đặt ra yêu cầu cấp bách cho nâng cao chất lượng lao động. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cần những người lao động không chỉ làm tốt mà còn biết học hỏi, ứng dụng công nghệ và thích nghi nhanh với thay đổi.
Do đó, chiến lược phát triển kinh tế tư nhân phải gắn liền với chiến lược phát triển con người thông qua các chính sách như đào tạo lại kỹ năng nghề (reskilling), đảm bảo an toàn lao động và phúc lợi xã hội. Khuyến khích lao động tham gia quản lý, đổi mới sáng tạo. Phát triển hạ tầng xã hội gắn với khu công nghiệp, nơi ở và sinh hoạt cho công nhân. Chính tại đây, công đoàn đóng vai trò “bà đỡ” để đảm bảo chuyển đổi số không làm ai bị bỏ lại phía sau.
![]() |
Công đoàn khi thực sự trở thành đối tác chiến lược của doanh nghiệp và người lao động sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo dựng niềm tin xã hội. |
Tổng Bí thư chỉ rõ nhiều rào cản mà kinh tế tư nhân đang phải đối mặt, như khó tiếp cận vốn, đất đai, rủi ro chính sách… Tuy nhiên, không thể quên rằng người lao động trong khu vực tư nhân cũng đang chịu nhiều thiệt thòi: hợp đồng không ổn định, thiếu cơ chế khiếu kiện, ít được tiếp cận đào tạo, thiếu công đoàn cơ sở thực chất…
Bài viết của Tổng Bí thư với tinh thần xây dựng thể chế công bằng và minh bạch, là tiền đề để các cơ quan nhà nước sớm đưa ra như luật hóa các cơ chế bảo vệ quyền lợi lao động tư nhân, có năng lực thương lượng. Hình thành quỹ an sinh xã hội và quỹ đào tạo chung giữa doanh nghiệp – nhà nước – công đoàn.
Thông điệp về phát triển kinh tế tư nhân đi liền với trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh là trụ cột then chốt mà Tổng Bí thư nhấn mạnh. Đây là cơ hội lớn để hình thành văn hóa doanh nghiệp mới, nơi người lao động không bị coi là "chi phí", mà là "tài sản chiến lược".
Công đoàn khi thực hiện tốt vai trò trung gian đối thoại sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các xung đột lao động, tăng cường gắn kết nội bộ, từ đó góp phần vào hiệu quả sản xuất kinh doanh. Người lao động, khi cảm thấy được bảo vệ và được phát triển sẽ có động lực để sáng tạo, gắn bó và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra một khuôn khổ tư duy mới cho phát triển kinh tế tư nhân, nơi nguồn lực con người và vai trò tổ chức công đoàn là những nhân tố không thể tách rời. Trong thời kỳ phát triển mới, nếu kinh tế tư nhân là “đòn bẩy”, thì người lao động và công đoàn chính là trục bản lề giữ cho đòn bẩy ấy vận hành hiệu quả, bền vững và công bằng.
Việt Nam muốn vươn tầm quốc tế không thể chỉ dựa vào công nghệ, vốn hay thị trường, mà trước hết phải dựa vào niềm tin, trí tuệ và sự đóng góp của từng người lao động trong một môi trường phát triển hài hòa, nhân văn và bền vững.
![]() “Chúng ta trân trọng sự hỗ trợ của những tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup, và chúng ta cũng ghi nhận những nỗ lực ... |
![]() Muốn có doanh nghiệp lớn, thì phải có tư duy lớn và thể chế lớn. Một quốc gia muốn phát triển bền vững không thể ... |
![]() Bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ ... |