Luật Công đoàn 2024: Gỡ bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp |
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đang đối mặt với áp lực chi phí, suy giảm đơn hàng và thiếu dòng tiền, chính sách mới mang tính thực tiễn cao. Tuy nhiên, để chính sách thực sự trở thành “van xả áp” hiệu quả, việc triển khai cần đồng bộ, minh bạch và linh hoạt hơn bao giờ hết.
![]() |
Việc sửa đổi Điều 30 của Luật Công đoàn được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một bước đi “giải áp” cần thiết. Ảnh minh hoạ |
Theo thống kê, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Với quy mô vốn và năng lực tài chính hạn chế, SMEs là nhóm dễ bị tổn thương nhất trước các biến động kinh tế. Việc phải duy trì hàng loạt nghĩa vụ tài chính cố định đã trở thành gánh nặng lớn, nhất là trong giai đoạn thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm.
“Cứu cánh” kịp thời
Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc một công ty sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Bình Dương chia sẻ chúng tôi không có ý kiến gì về nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn, vì đây là trách nhiệm chính đáng. “Nhưng khi gặp khó khăn, dòng tiền gần như bị bóp nghẹt, mọi khoản chi đều phải cân nhắc. Quy định mới cho phép được tạm dừng đóng là một cứu cánh kịp thời”, ông Lộc nói.
Tương tự, bà Trịnh Thị Ngọc-chủ doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại làng nghề Tây Hồ (Hà Nội) bày tỏ: “Năm ngoái, chúng tôi phải tạm đóng cửa gần 4 tháng vì đơn hàng xuất khẩu bị huỷ. Nếu lúc đó có quy định được tạm dừng đóng kinh phí công đoàn thì đã giảm bớt một phần áp lực. Nay có luật, nhưng quan trọng là khâu thực thi có nhanh và thuận tiện hay không đó mới là điều doanh nghiệp quan tâm”.
Sự ra đời của Điều 30 cho phép doanh nghiệp được miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp như giải thể, phá sản, khó khăn do yếu tố bất khả kháng được nhiều chuyên gia đánh giá là tín hiệu của một tư duy quản trị mới: “Nhà nước đồng hành với doanh nghiệp thay vì chỉ giám sát và áp đặt nghĩa vụ”.
PGS.TS Trần Hoàng Minh, chuyên gia kinh tế nhận định trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều bất ổn sau đại dịch và hiện nay là ảnh hưởng từ địa chính trị toàn cầu, chi phí sản xuất, tài chính, vận tải đều tăng. Nhà nước cần chủ động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
“Quy định tại Điều 30 là một bước đi hợp lý về mặt chính sách, góp phần ổn định khu vực tư nhân – lực lượng tạo ra hơn 60% việc làm hiện nay”, PGS.TS Trần Hoàng Minh nhấn mạnh.
![]() |
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đang đối mặt với áp lực chi phí, suy giảm đơn hàng và thiếu dòng tiền, chính sách mới này mang tính thực tiễn cao. Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Hoàng Minh cũng cảnh báo về rủi ro chính sách nếu thiếu tiêu chí rõ ràng. Do đó, ông Minh đề nghị phải có bộ tiêu chí định lượng minh bạch để đánh giá đâu là doanh nghiệp thực sự gặp khó.
“Tránh tình trạng doanh nghiệp đang có lãi vẫn xin miễn giảm. Nếu không kiểm soát tốt, chính sách sẽ mất tác dụng và làm méo mó thị trường”, ông Minh bày tỏ.
Từ góc độ tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội đều hoan nghênh quy định mới nhưng đồng thời kiến nghị cải thiện khâu triển khai, đặc biệt là thủ tục hành chính.
Ông Phạm Ngọc Hưng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) cho rằng thời gian qua nhiều doanh nghiệp thành viên của chúng tôi đã phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động vì không thể “gánh nổi” chi phí cố định.
"Nếu được tạm dừng hoặc giảm kinh phí công đoàn trong thời gian nhất định, họ sẽ có thêm dư địa tài chính để xoay xở và khôi phục sau khủng hoảng", ông Hưng nói.
Hiệp hội DNNVV Việt Nam hoan nghênh quy định tại Điều 30, nhưng điều doanh nghiệp lo ngại là thủ tục thực hiện có thể lại phức tạp. Nếu để được tạm dừng đóng mà phải qua nhiều cấp xét duyệt, nộp hàng chục loại giấy tờ thì vô hình trung lại tạo thêm gánh nặng.
Chính sách nhân văn, nhưng cần triển khai linh hoạt
Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, giải pháp là xây dựng cổng khai báo điện tử thống nhất trên toàn quốc, tích hợp dữ liệu tài chính, lao động để cơ quan quản lý có thể xét duyệt nhanh, minh bạch và chống gian lận. Đơn giản hóa thủ tục không có nghĩa là buông lỏng kiểm soát, mà là minh bạch hóa quy trình bằng công nghệ.
![]() |
Sự ra đời của Điều 30 được nhiều chuyên gia đánh giá là tín hiệu của một tư duy quản trị mới: nhà nước đồng hành với doanh nghiệp thay vì chỉ giám sát và áp đặt nghĩa vụ. Ảnh minh hoạ |
Không chỉ đối mặt với khó khăn về đơn hàng, nhiều doanh nghiệp SMEs đang phải trả lãi vay cao hơn bình thường khi tiếp cận vốn ngân hàng. Theo TS. Lê Thị Hương, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhiều doanh nghiệp nhỏ đang trong tình trạng “xoay xở từng đồng”.
“Chỉ cần tạm dừng một khoản như kinh phí công đoàn trong vài tháng thôi cũng đã là rất quý. Thậm chí doanh nghiệp có thể dùng khoản này để trả lương giữ chân lao động, hoặc trả lãi đúng hạn, tránh bị xếp vào nhóm nợ xấu,” bà Hương nhận định.
Tuy nhiên, bà Hương đánh giá điều quan trọng là cơ quan chức năng không nên áp dụng chính sách một cách cứng nhắc. Nếu doanh nghiệp chưa phục hồi sau 12 tháng, cần linh hoạt xem xét gia hạn thêm.
Theo các doanh nghiệp, Luật Công đoàn 2024 đã tạo ra một khung pháp lý phù hợp hơn với thực tiễn. Tuy nhiên, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự phối hợp đồng bộ từ trung ương tới địa phương, từ các bộ ngành đến liên đoàn lao động, từ hướng dẫn rõ ràng đến cơ chế giám sát hiệu quả.
![]() |
Luật Công đoàn 2024 với Điều 30 mang đến kỳ vọng về một mô hình quản trị nhà nước mềm dẻo hơn, nơi tiếng nói từ thị trường và thực tiễn sản xuất được lắng nghe, phản ánh trong chính sách pháp luật. Ảnh minh hoạ |
Ông Lê Đức Long, Giám đốc một công ty sản xuất cơ khí tại Hải Phòng thẳng thắn: “Không doanh nghiệp nào muốn trốn tránh nghĩa vụ nếu họ có khả năng đóng. Vấn đề là khi họ đã kiệt sức mà vẫn bị yêu cầu hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính, thì chỉ còn hai lựa chọn: vay nóng hoặc… đóng cửa. Cả hai đều không tốt cho nền kinh tế”.
Điều 30 của Luật Công đoàn 2024 là một bước tiến chính sách, thể hiện sự lắng nghe từ Nhà nước và mong muốn chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính sách chỉ phát huy hiệu quả nếu được thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, đồng bộ và linh hoạt.
Trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, việc hỗ trợ đúng lúc, đúng đối tượng không chỉ giúp doanh nghiệp tồn tại mà còn là tiền đề cho sự phục hồi bền vững của thị trường lao động và sản xuất trong nước.
Bài toán lúc này không còn là “nên hay không nên miễn giảm”, mà là “làm sao để chính sách nhân văn đó thực sự chạm đến những người cần nó nhất”. Và câu trả lời nằm ở khả năng triển khai nhanh, gọn, minh bạch và công bằng.
![]() Từ năm 2025, quy định về đóng kinh phí công đoàn có một số thay đổi đáng chú ý. Doanh nghiệp và người lao động ... |
![]() Luật Công đoàn 2024 đã quy định rõ ràng về quyền lợi và hỗ trợ pháp lý dành cho đoàn viên công đoàn. |
![]() Với những sửa đổi đáng chú ý tại Điều 30, Luật Công đoàn năm 2024 đánh dấu bước chuyển quan trọng trong cách thức tiếp ... |