Không loại trừ việc khối ngoại co kéo với mục đích chốt NAV quý 2/2022
Diễn biến giao dịch phiên 29/6 |
Tiền không đổ thêm vào thị trường trong phiên chiều khiến thanh khoản cả phiên của HOSE hụt 18% so với phiên hôm qua, chỉ còn đạt giá trị giao dịch 11.839 tỷ đồng. Nhân tố gây ra sự hụt hẫng cho thị trường vẫn là Ngân hàng do không thể duy trì được sự sôi động.
Các mã tăng giá như BID (+3,7%), CTG (+0,6%), STB (+0,2%) phải dựa dẫm vào tiền ngoại mới giữ được sắc xanh.
Tuy nhiên tiền ngoại phải đánh đổi bằng việc rút khỏi các cổ phiếu như DPM (-45 tỷ đồng), HPG (-44 tỷ đồng), DCM (-38,2 tỷ đồng), NVL (-33,57 tỷ đồng) mới có sức kéo các mã trên. Mục đích có thể là vừa cân đối lại áp lực cho VN-Index và vừa hướng tới việc chốt NAV quý 2/2022.
Cùng với đó, cũng cần phải nhắc tới vai trò của VNM khi bật lên từ 14h20. Đóng góp của VNM đứng thứ 2 trong top kéo điểm và cũng phần nào giảm bớt trách nhiệm cho BID.
VN-Index và VN30 chốt phiên đều kịp quay về sát tham chiếu sau những áp lực đạp xuống trong phiên. Cả 2 chỉ số đều giảm 0,01 điểm, VN-Index đóng cửa tại 1.218,09 điểm (0%) còn VN30 là 1.273,4 điểm (0%).
Dù vậy, thị trường chung cũng không quá hào hứng với trạng thái kéo lại của VN-Index. Giao dịch vẫn phân hóa với sự nhỉnh hơn của sắc đỏ. Số mã giảm cuối phiên là 51% so với 36% mã tăng 13% mã đứng giá tham chiếu.
Chỉ có các mã Thép, Thủy sản, Cảng biển là nhóm hưởng ứng với NKG (+4,12%), HSG (+3%), HPG (+1,1%), VHC (+2,3%), ANV (+4,7%) đảo chiều còn GMD (+3,02%), HAH (+6,9%) đóng cửa ở mức giá cao. Trong số này, VHC, GMD, HAH còn có thêm sự hỗ trợ từ nhà đầu tư ngoại nên càng thuận lợi trong đà tăng.
Với 2 chỉ số còn lại, kết quả giao dịch không tạo được được điểm nhấn. Cả 2 đều chỉ treo dưới mốc tham chiếu, HNX-Index giảm 0,54% còn UPCoM-Index giảm 0,15%. Thanh khoản của 2 sàn đạt gần 2.200 tỷ đồng.
****
Thành quả tại nhóm Chứng khoán bị triệt tiêu
Không có Ngân hàng, thị trường cũng không có lực đẩy mới xuất hiện. Tại rổ VN30, có 20/30 mã đang giảm giá bao gồm VCB, MBB, VPB, TPB. Trong khi đó, các cổ phiếu trụ có thể nương tựa như VIC (-1,5%), VHM (-0,6%), MWG (-1%), MSN (-1,1%), FPT (-1,2%) đều giảm quanh 1%.
Thị trường chung cũng bị kéo theo thể hiện qua độ rộng HOSE đang có 60% mã giảm. Các nhóm ngành Năng lượng, Phân bón, Bán lẻ, Thủy sản đang dễ bị điều chỉnh theo với DCM (-2,04%), POW (-1,08%), DPM (-1,12%), REE (-2,74%), DGW (-2,32%), VHC (-3,7%).
Kể cả nhóm Chứng khoán cũng dễ dàng bị tác động theo khi VND (+1,6%), HCM (+2,8%), VCI (+2,1%), SSI (+1%) đang bị triệt tiêu bớt thành quả.
VN-Index cuối phiên sáng đang giảm 6,3 điểm xuống 1.211 điểm. Thanh khoản đạt xấp xỉ phiên hôm qua là 6.526 tỷ đồng.
Ảnh hưởng của HOSE cũng đang khiến cho HNX-Index phải quay đầu theo. Chỉ số này dù đã tăng trước nhưng cũng dễ dàng đảo chiều ngay khi có những dấu hiệu kém tích cực của HOSE. Các mã PVS (-1,6%), NVB (-2,9%) đã quay đầu khiến chỉ số giảm 0,95% xuống 281,16 điểm. Giá trị giao dịch của sàn chỉ là 686 tỷ đồng.
****
ITA xuất hiện cầu bắt đáy
Thông tin nổi bật nhất trong sáng nay là GDP quý 2/2022 của Việt Nam ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2021. 6 tháng đầu năm 2022, GDP ước tăng 6,42%.
Bức tranh kinh tế vĩ mô như vậy vẫn đang đem lại nhiều hy vọng cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, có thể thị trường đã tăng trước từ chiều qua hoặc đang cần thời gian đánh giá tác động tới từng doanh nghiệp nên diễn biến phiên sáng nay tỏ ra khá hờ hững.
Thậm chí áp lực bán đầu phiên còn khiến cho chỉ số trong phần lớn thời gian đang mang sắc đỏ. VN-Index tới 10h30 đang ở ngay dưới tham chiếu, giao dịch tại 1.217 điểm.
Nhóm Ngân hàng sau cú hích tạo ra lại đang bị chững lại. Các mã tăng tốt chỉ còn VIB (+5,9%), LPB (+2,2%), BID (+1,9%) trong khi CTG (+0,4%), OCB (0%), VPB (-0,2%), TCB (-0,4%), ACB (-0,8%), MBB (0%) lại vận động lình xình.
Trong khi đó, Năng lượng và Dầu khí cũng không có dấu hiệu muốn tranh thủ cơ hội để giành lại sự quan tâm của nhà đầu tư. Nhóm này phần lớn đã hụt mất thành quả tăng do dòng tiền phải phân bổ sang Ngân hàng. Các mã GAS (+0,8%), PVD (-0,6%), VSH (-2%), HDG (-1,1%), REE (-11,%), VSH (-2%) phần lớn còn đang điều chỉnh nhẹ.
Thay vào đó, Chứng khoán và Khu Công nghiệp mới đang là 2 nhóm có sự sôi động nhất. VND (+3,83%) đang tranh thủ hồi phục cùng SSI (+2,55%), VCI (+3,57%), HCM (+3,53%) trong đó VND đứng đầu sàn về giá trị giao dịch, đạt 328 tỷ đồng.
Còn ITA (+6,99%) đã có cầu bắt đáy rất khẩn trương giúp đảo ngược trạng thái từ giảm sàn thành tăng trần. Giá trị giao dịch của ITA đã nhảy vọt lên 212 tỷ đồng, đứng thứ 2 tại sàn. Mã này cũng kéo theo được KBC (+3,4%), SZC (+1,5%) tăng theo.
Thị trường nhìn chung chưa có sự sôi động theo sau phiên hôm qua. Giá trị giao dịch tới 10h30 đang thấp hơn một chút, đạt 3.956 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index đã chạy nhanh hơn với mức tăng 0,46% lên 285 điểm. Các mã lớn như PVS (+0,4%), NVB (+3,6%) ít gặp phải các lực cản hơn trong việc giữ sắc xanh cho chỉ số, song "màu xanh" ở đây đang không chắc chắn.