Quảng Trị:
Hiện thực giấc mơ xây dựng KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tỉnh Quảng Trị. Ảnh: MPI. |
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Quảng Trị. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan như Viện Chiến lược phát triển, các Vụ: Kinh tế công nghiệp, dịch vụ; Quản lý các khu kinh tế; Kinh tế đối ngoại; Kinh tế địa phương và lãnh thổ; Pháp chế.
Nội dung buổi làm việc gồm các vấn đề liên quan đến việc hoàn thiện Đề án xây dựng KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn như thẩm quyền quyết định các cơ chế, chính sách; các ưu đãi được đề xuất; điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế…
Tiếp tục hoàn thiện Đề án xây dựng Khu kinh tế xuyên biên giới
Theo báo cáo được trình bày tại cuộc họp, Ban Thường vụ tỉnh Quảng Trị đã làm việc với tỉnh Savannakhet (Lào) và ký biên bản thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai tỉnh, trong đó thống nhất nội dung nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù trình Bộ Chính trị, Chính phủ hai nước cho thí điểm xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn (Lào).
Tiếp đó, hai bên đã thành lập Tổ công tác và triển khai các nhiệm vụ như phối hợp nghiên cứu các cơ chế, chính sách áp dụng tại Khu kinh tế; điều chỉnh quy hoạch KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu Thương mại biên giới Đensavẳn phù hợp với định hướng phát triển KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn (Lào); thu hút đầu tư vào Khu kinh tế này.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu. Ảnh: MPI. |
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến tập trung vào những nội dung, đề xuất liên quan đến xây dựng Đề án như thẩm quyền quyết định các cơ chế, chính sách; về các ưu đãi được đề xuất; về điều chỉnh khu kinh tế;… Đồng thời cho rằng, với các cơ chế chính sách được đề xuất cần phải có đánh giá cụ thể, đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Các ý kiến cũng đánh giá cao cách lựa chọn phương án triển khai theo từng bước, từ dễ đến khó để có bước đi phù hợp; tôn trọng chủ quyền của mỗi nước và thông lệ quốc tế, hai bên cùng có lợi. Đồng thời bày tỏ hy vọng việc thí điểm triển khai KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của hai nước nói chung và hai địa phương nói riêng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cảm ơn các ý kiến góp ý trách nhiệm, sâu sắc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời khẳng định, tỉnh Quảng Trị sẽ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Đề án và đưa ra các đề xuất về cơ chế, chính sách phù hợp với pháp luật, có tính khả thi.
“Tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ công tác của tỉnh Xa-vẳn-na-khệt, các bộ, ngành liên quan của Việt Nam để rà soát các khung khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh, tạo việc làm cho Nhân dân hai biên giới, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; khơi dậy tiềm năng, lợi thế của mỗi bên và tạo sức lan tỏa”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề nghị trên cơ sở các ý kiến góp ý, tỉnh Quảng Trị tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng, hoàn thiện Đề án báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Trong đó, tập trung đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong quá trình thực hiện; từ đó chọn phương án cụ thể.
Các chính sách xây dựng phải có đầy đủ nội hàm, nội dung, địa bàn, thời gian áp dụng và đặc biệt là nêu rõ cấp có thẩm quyền quyết định các cơ chế, chính sách theo đề xuất; đánh giá tính khả thi của các chính sách; xác định rõ nguồn lực thực hiện như tổ chức bộ máy, con người, cơ chế, nguồn lực; đặc biệt, cơ chế, chính sách được đề xuất phải đảm bảo sự phù hợp với pháp luật và có tính khả thi.
Thực hiện giấc mơ được ấp ủ hơn 20 năm qua
Việc nghiên cứu thí điểm xây dựng KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn (Lào) là chủ trương đã được Bộ Chính trị hai nước thống nhất từ năm 1997 và nội dung này cũng đã được xác định tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với hành lang kinh tế Đông - Tây. Nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên hành lang kinh tế Đông - Tây”. Đây là giấc mơ về ngôi nhà chung cơ chế Lao Bảo - Đensavẳn cùng các chính sách ưu đãi vượt trội, hấp dẫn đầu tư trên hành lang kinh tế Đông - Tây đang dần trở thành hiện thực.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannaket (Lào) ký kết biên bản thông qua Đề án xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Đensavẳn. Ảnh tư liệu. |
Đặc thù của Khu kinh tế xuyên biên giới tồn tại song song hai cơ chế: Quản lý nội địa của mỗi nước và quản lý hợp tác xuyên biên giới hai hoặc nhiều nước, được hưởng các chính sách đặc thù của Chính phủ hoặc liên Chính phủ để thu hút đầu tư.
Theo dự thảo Đề án xây dựng KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo -Đensavẳn dự kiến vận hành theo mô hình 2 nước 2 khu, đối xứng nhau qua đường biên giới, có sự kết nối về hạ tầng (kết nối cứng) và chính sách (kết nối mềm), mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý Khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ mình. Tiến hành xây dựng hàng rào cứng cách ly tại các khu phi thuế quan, khu vực kho bãi hàng hóa chờ kiểm hóa, cảng cạn (ICD)... Tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, các thỏa thuận biên giới, các hiệp định Lào, Việt Nam đã ký kết. Áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà chính phủ Việt Nam và Lào đang áp dụng tại các Khu kinh tế, thương mại hai nước.
Các cơ chế chính sách mới tạo hấp dẫn trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp tập trung vào các giải pháp “phi thuế quan” như tạo thuận lợi về lao động (cư dân thường trú trong khu vực KKT thương mại xuyên biên giới chung được cấp thẻ thông hành biên giới để đi lại, tỷ lệ lao động người Việt Nam làm việc tại Khu thương mại biên giới Đensavẳn, tỷ lệ người Lào làm việc tại KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo được phép cao hơn quy định hiện hành của pháp luật hai nước...); tạo thuận lợi trong thủ tục đầu tư, vay vốn (doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Khu thương mại biên giới Đensavẳn được áp dụng thủ tục đầu tư, vay vốn đơn giản như đầu tư trong nước). Các giải pháp trên sẽ khắc phục các rào cản đối với các dự án đầu tư của Việt Nam sang Lào trong thời gian vừa qua, thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào Khu thương mại biên giới Đensavẳn.
Toàn cảnh cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Ảnh tư liệu. |
Dự thảo Đề án cũng xác định, cơ cấu nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng chủ yếu từ doanh nghiệp (dự kiến khoảng 70-80%) theo hình thức PPP, hình thức này Chính phủ Lào đang áp dụng thành công tại cửa khẩu Vang Tao (tỉnh Champasack đối diện cửa khẩu Chong Mek tỉnh Ubon Rathchathani của Thái Lan). Hiện đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước (Tập đoàn T&T, Tập đoàn Sơn Hải, Tập đoàn Pon sack - Lào, Tập đoàn Sakae Holding - Singapore...) đã đến khảo sát đề xuất dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, kho bãi hàng hóa chuyên dùng (than, quặng sắt, sắn củ tươi), khu kho bãi phục vụ kiểm hóa, tập kết phương tiện, hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Lao Bảo - Đensavẳn. Một số doanh nghiệp của Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng nhà máy chế biến viên nén năng lượng, may xuất khẩu tại Khu thương mại biên giới Đensavẳn để sử dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ hoặc được hưởng ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ (C/O) từ Lào.
Dự thảo Đề án lựa chọn cách tiếp cận thận trọng, làm từng bước từ dễ đến khó, tôn trọng chủ quyền của mỗi nước và thông lệ quốc tế, hai bên cùng có lợi, các cơ chế chính sách áp dụng chung tại Khu kinh tế xuyên biên giới sẽ được thực hiện thí điểm trước khi ban hành chính thức. Chủ thể hợp tác là hai địa phương nhưng có sự quản lý, giám sát từ Trung ương. Sau khi có chủ trương của Chính phủ hai nước, hai bên sẽ thành lập nhóm chuyên gia chung để phối hợp hoạt động trong đề xuất chính sách và theo dõi quá trình triển khai thực hiện, kiến nghị điều chỉnh khi xét thấy cần thiết.
Công ty CP Giày Bình Định thông báo tạm dừng việc 700 lao động Do không có đơn hàng, Công ty CP Giày Bình Định vừa thông báo tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) với khoảng 700 lao ... |
Cần tiếp tục quan tâm, có giải pháp thiết thực cải thiện đời sống người có công Chiều 9/6, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã tiếp ... |
Masterise Homes và Vietcetera hiện thực hóa phát triển khu phố thương mại chuẩn quốc tế Masterise Homes lần đầu tiên hợp tác cùng Vietcetera tổ chức sự kiện “Kết nối các doanh nghiệp F&B trong nước và quốc tế” diễn ... |