Miền Trung trỗi dậy sau đại dịch COVID-19
Nơi sẽ xây dựng cảng nước sâu Liên Chiểu - một dự án kinh tế lớn ở Đà Nẵng vừa được khởi công cuối năm 2022. Ảnh: Văn Trực |
Hồi phục thần kỳ
Cuối năm 2022, Hội đồng nhân dân các tỉnh thành miền Trung đều công bố đạt mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao. Trong đó, TP.Đà Nẵng tăng hơn 14,05% so với năm 2021, đứng thứ 3 cả nước. Thu ngân sách nhà nước hơn 23 nghìn tỉ đồng, đạt hơn 120% dự toán. GRDP của Khánh Hòa tăng gần 20,5% - mức cao nhất trong 10 năm qua và là tỉnh có mức tăng cao thứ 2 cả nước.
Ngoài 2 "đầu tàu" của miền Trung lâu nay là Đà Nẵng và Khánh Hòa, thì nay các tỉnh thành như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng nổi lên như những điểm sáng mới của khu vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Nam là 11,2%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và xếp thứ 2/5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung.
Nhưng thu ngân sách nhà nước của Quảng Nam đạt hơn 34 nghìn tỉ đồng, đạt 135% dự toán và tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Đây là con số khá ấn tượng, bởi thu ngân sách của Quảng Nam năm 2019 - thời điểm chưa bị tác động dịch COVID-19 - cũng chỉ trên 21 nghìn tỉ đồng.
Tuyến du lịch biển xuyên tỉnh Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa được khai trương trong năm 2022. Ảnh: Thanh Hải |
Trong khi đó, Bình Định có 19/19 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đều đạt và vượt kế hoạch. Lần đầu tiên tỉnh này thu ngân sách nhà nước đạt hơn 16.500 tỉ đồng. GRDP tăng 8,57%, đưa Bình Định xếp thứ 37/63 tỉnh, thành cả nước...
Còn Quảng Ngãi, tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,29% trong năm 2022, nhưng thu ngân sách thì được đánh giá là tăng một cách thần kỳ, với mức trên 34 nghìn tỉ đồng, là cực kỳ cao so với cả nước.
Tạo ra nhiều "trụ cột" phát triển
Một lĩnh vực khác là du lịch và dịch vụ cũng là thế mạnh của các tỉnh thành miền Trung, mang lại sự thịnh vượng, phát triển kinh tế xã hội trong hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, gần 3 năm dịch bệnh COVID-19 diễn ra, nền kinh tế suy giảm, ảnh hưởng cuộc chiến Nga - Ukraina... đã khiến du lịch, dịch vụ giảm suốt, người lao động mất việc làm.
Hoạt động du lịch của Đà Nẵng được đánh giá phục hồi mạnh mẽ, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tăng gấp 3 lần... Doanh thu từ du lịch của Khánh Hòa cũng tăng gấp 6 lần so năm 2021.... Nhưng ở tất cả địa phương, sự tăng trưởng này vẫn còn rất thấp so với thời điểm 2019 - trước dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Đây cũng là thực trạng chung của các tỉnh thành khu vực miền Trung. Trong năm 2022, các địa phương có nguồn thu chủ yếu từ sản xuất công nghiệp là Quảng Nam (chủ yếu từ ôtô Trường Hải), Quảng Ngãi (từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, Thép Hòa Phát). Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào một lĩnh vực như đất đai, du lịch, dịch vụ trước đây thì cũng sẽ bấp bênh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết: "Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Thép Hòa Phát Dung Quất là trụ cột của động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, Nhà máy lọc dầu Dung Quất là đóng góp chính cho nguồn thu ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, không thể chỉ phụ thuộc vào giá trị sản xuất công nghiệp của hai doanh nghiệp này.
Ông Minh dự báo mức tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi năm 2023 sẽ âm từ 3,5 đến 3% do sụt giảm mạnh nguồn thu, Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất cắt giảm sản xuất, dừng hoạt động để bảo dưỡng...
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mô hình cấu trúc không gian phát triển “2 vùng, 3 cửa ngõ, 3 cụm động lực, 8 hành lang phát triển”. Trong đó, tỉnh Quảng Nam phát triển không gian thành 2 vùng Đông - Tây và 3 cửa ngõ: Khu kinh tế mở Chu Lai - Đô thị Di sản thế giới Hội An - Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
Vùng miền núi phía Tây được xác định là vùng bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, vùng nguyên liệu, nông, lâm và dược liệu tầm quốc gia và là cửa ngõ giao thương kinh tế, thương mại và du lịch giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam với các tỉnh Nam Lào và Đông - Bắc Thái Lan. Vùng Đông Quảng Nam với 9 huyện, thị xã, thành phố là vùng động lực với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, dịch vụ, công nghiệp sạch, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Thanh, vùng Đông tỉnh Quảng Nam là khu vực tập trung các đô thị lớn và trung tâm hành chính. Trong đó, Hội An sẽ trở thành đô thị di sản du lịch, giao lưu quốc tế; đô thị Điện Bàn là không gian phát triển khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo và thành phố Tam Kỳ được quy hoạch trở thành đô thị hành chính, kinh tế quan trọng của khu vực miền Trung.
Tương tự, Đà Nẵng cũng không "dựa" chính từ nguồn thu chính là đất đai hay du lịch nữa, theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, năm 2023, Đà Nẵng xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; rà soát, đánh giá kết quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khẩn trương điều chỉnh, bổ sung các chính sách theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.
Năm 2023, thành phố sẽ ban hành Đề án “Nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các khu công nghiệp mới và Khu Công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao và chính sách xã hội hóa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025”; Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, khẩn trương hoàn thành các thủ tục và hạ tầng đưa Khu Công viên Phần mềm số 2 và Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ vào hoạt động.
Theo nguồn: Laodong.vn