Ngân hàng- Bảo hiểm thắng đậm nhờ hợp tác bán bảo hiểm
Hợp tác ngân hàng - bảo hiểm đang là kênh kinh doanh hấp dẫn, mang lại nguồn lợi lớn cho cả 2 bên. Nhiều ngân hàng thu về khoản lãi nghìn tỷ đồng mỗi năm từ bán bảo hiểm.
Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hoạt động bán bảo hiểm qua hợp tác với ngân hàng tại Việt Nam những năm gần đây phát triển một cách mạnh mẽ. Chỉ tính trong nửa đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh hợp tác bán bảo hiểm này của doanh nghiệp bảo hiểm đã chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới, giúp ngành bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định.
Dự báo, con số này sẽ sớm lên tới 50%, thậm chí ngân hàng bán bảo hiểm có thể vượt qua các đại lý trở thành kênh kiếm tiền chủ lực cho các công ty bảo hiểm.
Với các ngân hàng, lợi nhuận từ bán bảo hiểm cũng rất cao từ hoa hồng của công ty bảo hiểm. Dưới đây là con số danh thu từ kinh doanh của dịch vụ bảo hiểm của một số ngân hàng trong năm 2022:
MB đạt 10.185 tỷ đồng, chiếm tới 71,5% tổng doanh thu từ mảng dịch vụ.
VPBank đạt 3.353 nghìn tỷ đồng, chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ, tăng trưởng 42% so với năm 2021.
Techcombank có doanh thu 1.750 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2021.
VIB đạt 1.302 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021.
TPBank đạt 876 nghìn tỷ đồng, giảm 8,2% so với năm 2021.
Với nguồn lợi thấy rõ, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận trả mức phí trả trước rất cao để thâm nhập vào danh mục khách hàng của các ngân hàng. Đồng thời, với nguồn thu hàng nghìn tỷ mỗi năm từ bảo hiểm, các ngân hàng khó có thể bỏ qua mối lợi này.
Khách hàng bức xúc vì bán "bia kèm lạc”
Việc các ngân hàng thương mại yêu cầu khách vay phải mua bảo hiểm thì được ưu tiên giải ngân khoản vay sớm, nhanh hơn bị khách hàng phản ứng vì bán "bia kèm lạc". Chưa kể các khách hàng đến gửi tiết kiệm cũng được công ty bảo hiểm nhân thọ cung cấp danh sách để chào mời bằng mọi cách.
Công ty Chứng khoán SSI Research cho hay, từ 2020 đến nay, đã có nhiều người lên tiếng về hiện tượng nói trên.
Thời gian gần đây, một số người dân gửi đơn tố giác lên Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm về việc gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Gần đây nhất, nhiều người cũng lên tiếng khi hàng trăm triệu tích góp nhiều năm tới gửi ngân hàng nhưng sau đó nhiều người tá hỏa không có khoản tiền tiết kiệm nào cả mà chỉ có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Tuy nhiên, với thực trạng hầu hết ngân hàng “ngầm ép” khách hàng mua bảo hiểm để được giải ngân, cần đặt ra câu hỏi liệu các kênh phân phối các sản phẩm bảo hiểm là ngân hàng và các bên bảo hiểm có đang hoạt động vì quyền lợi của khách hàng hay chưa?
Nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm
Từ giữa năm 2022, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm.
Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/1/2023 đã bổ sung một số quy định đối với hoạt động của đại lý bảo hiểm tổ chức, bao gồm các tổ chức tín dụng. Luật cũng đã sửa đổi và bổ sung những quy định về hoạt động bán bảo hiểm dành cho doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng.