Ngân hàng ‘tung chiêu’ khách vay không mua bảo hiểm đừng hòng được giải ngân
Câu chuyện vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm đã tồn tại từ nhiều năm qua, nhưng trong tâm thế người vay tiền nhiều khách hàng chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay” chấp nhận để được giải ngân. Thực trạng này gần đây làm dậy sóng dư luận, hàng loạt những nạn nhân bức xúc bấy lâu nay lần lượt lên tiếng.
Từ những tiếng “kêu cứu” của khách vay khi bất đắc dĩ rơi vào hoàn cảnh một cổ hai tròng, để rộng đường dư luận phóng viên Nhịp sống Doanh nghiệp đã đến tận nơi, tai nghe mắt thấy và trở thành chính những khách vay rơi vào hoàn cảnh đã nghèo còn gặp khó.
Đủ chiêu “gài” khách vay phải mua bảo hiểm
Vào những ngày sự việc đang “nóng”, phóng viên (ẩn danh) đi cùng chị H. đến chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội. Chị H. có nhu cầu vay 250 triệu đồng để kinh doanh nhỏ, tài sản thế chấp là căn chung cư. Sau 15 phút ngồi chờ, hai chị em được lễ tân mời vào khu vực có chuyên viên tư vấn về khoản vay của mình.
Nhân viên tư vấn cho biết, ngân hàng chỉ cho vay tiêu dùng như mua xe, mua nhà... với yêu cầu có hợp đồng công chứng. Khi chúng tôi không đảm bảo điều kiện này, nhân viên gợi ý cách hỗ trợ để rút được vốn vay lãi suất ưu đãi là làm gói vay sửa nhà với mức lãi suất 10,9 % trong 2 năm đầu (các năm sau thả nổi) thời gian vay tối thiểu trên 12 tháng. Thế nhưng, để vay vốn với mục đích này, khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ FWD (đơn vị liên kết với ngân hàng này).
“Trường hợp của chị có thể xoay sang hồ sơ vay sửa nhà, giấy tờ thì ngân hàng hỗ trợ được. Thế nhưng, bên phê duyệt (bộ phận khác của ngân hàng - PV) yêu cầu phải mua bảo hiểm nhân thọ cơ. Bởi vì mục đích vay kinh doanh cá nhân không có giấy phép đăng ký kinh doanh số tiền cũng không nhiều, thời gian ngắn”, nhân viên thẳng thắn nói.
Đồng thời, nhân viên giải thích thêm cái khó của khách hàng trong trường hợp này là vay vốn với mục đích kinh doanh có tính rủi ro cao hơn và không rõ ràng bằng mục đích tiêu dùng nên cần phải tham gói bảo hiểm nhân thọ tối thiểu của ngân hàng. Nếu chị H. vay mua xe, mua nhà thì sẽ không phải mua bảo hiểm.
Là người làm công ăn lương, tình hình tài chính gia đình gặp khó khăn, tính chuyện mở thêm kinh doanh nhỏ nên giờ không thể mua thêm gói bảo hiểm chị H. nhờ nhân viên tư vấn hướng giải quyết khác, nhưng kết quả chỉ nhận được cái lắc đầu. Do trước đó đã mua cho gia đình một gói bảo hiểm nhân thọ của chính công ty liên kết với ngân hàng này, chị H. tiếp tục hỏi khó vậy nếu không mua bảo hiểm nhưng vẫn có nhu cầu vay vốn có được giải ngân không thì nhận được câu trả lời tương tự như trên.
“Mình trình hồ sơ lên chưa thấy trường hợp nào không yêu cầu với khoản vay sửa nhà. Từ hồi trước đến giờ trình lên cũng chưa thấy trường hợp nào không mua bảo hiểm mà được duyệt, đều bị yêu cầu như vậy”, nhân viên ngân hàng nói.
Sau một hồi tư vấn, nam nhân viên chốt lại khách vẫn phải mua gói bảo hiểm tối thiểu để dễ dàng trong khâu giải ngân. Đồng thời, gợi mở hướng mua bảo hiểm sẽ được giải ngân sớm. Gói bảo hiểm tối thiểu được nhân viên ngân hàng mời chào có mức phí từ 14 - 15 triệu đồng/năm.
Nhân viên tư vấn khách vay về các gói bảo hiểm tại ngân hàng. |
Thấy khách hàng vay vốn không muốn phát sinh hợp đồng bảo hiểm, nhân viên không ngần ngại đưa ra lời khuyên: “Mình tính cho bạn như này, tiền bảo hiểm tính ra số tương đối lớn nhưng tính phần trăm cũng không cao khi bạn vay nhiều. Nói thẳng nếu bạn thấy bảo hiểm không ích lợi thì bạn có thể đóng một năm rồi bạn bỏ tuỳ coi như mình được bảo vệ quyền lợi trong vòng một năm. Sau khi đáp ứng đẩy đủ các giấy tờ thủ tục, phía ngân hàng thẩm định và khách vay ký hợp đồng bảo hiểm sẽ được giải ngân trong vòng hơn 1 tuần”.
Ghi nhận của phóng viên khi tham khảo trên về quy trình vay vốn trên wedsite của ngân hàng này, không thấy có bước nào quy định khách vay phải mua bảo hiểm thì mới được giải ngân. Thế nhưng với trường hợp của chị H. thì hoàn toàn ngược lại. Việc tự nguyện mua bảo hiểm chỉ mang tính hình thức. Đơn giản, nếu không mua gói bảo hiểm khả năng được giải ngân sẽ khó khăn hơn nhiều.
Bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm là vi phạm quy định pháp luật
Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo, cũng như yêu cầu các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay vốn. Việc tham gia bảo hiểm của khách hàng là tự nguyện, nếu nhân viên tổ chức tín dụng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt.
Hành vi ngân hàng bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm để được giải ngân vay vốn là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo hiểm. Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, yêu cầu rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng (nếu có).