Nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng tăng cao cũng là lúc các đối tượng lừa đảo trên mạng gia tăng hoạt động với những chiêu thức ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp. Không chỉ người dân mất tiền oan, các doanh nghiệp du lịch uy tín cũng đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực khi thương hiệu bị mạo danh, gây hoang mang và xói mòn lòng tin của khách hàng.
Bài học cay đắng khi sập bẫy du lịch giá rẻ
Những kỳ nghỉ lễ hay mùa hè luôn là thời điểm vàng để người lao động và gia đình lên kế hoạch cho những chuyến đi xả hơi, tái tạo năng lượng. Thế nhưng, lợi dụng tâm lý này, không gian mạng lại trở thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lừa đảo giăng bẫy bằng các quảng cáo tour, phòng khách sạn giá rẻ đến khó tin.
Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, chị P.T.N (xã Hoà Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) đã nếm trải bài học này khi tìm phòng khách sạn cho chuyến đi Quy Nhơn. Chị kể lại: “Tôi thấy Fanpage của khách sạn A.P.H. Quy Nhơn có tới 11.000 lượt thích và theo dõi, hình ảnh phòng ốc rất đẹp mắt nên đã tin tưởng liên hệ. Họ báo giá hơn 3,2 triệu cho 3 ngày 2 đêm và yêu cầu đặt cọc 1 triệu. Thấy trang có vẻ uy tín, tôi chuyển luôn cả 3,2 triệu”.
Tuy nhiên, ngay sau đó, đối tượng thông báo chị chuyển sai nội dung, yêu cầu chuyển lại lần nữa và hứa hoàn tiền sau. Chúng còn kết nối chị với một tài khoản Facebook tên T.H tự xưng là kế toán, hướng dẫn thao tác trên app ngân hàng để “hỗ trợ hoàn tiền”. Nghi ngờ lừa đảo, chi jN. không làm theo thì bị chặn Facebook ngay lập tức.
![]() |
Trang fanpage A.P.H.Q.N nhắn tin thông báo chị P.T.N chuyển khoản sai nội dung nên chưa đặt phòng khách sạn thành công. Ảnh: Công an Tây Ninh |
Một trường hợp khác, anh M.T (phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh) cũng suýt trở thành nạn nhân khi thấy quảng cáo tour Côn Đảo trọn gói chỉ 3 triệu đồng/người trên Facebook. Anh chia sẻ: “Giá quá hợp lý, nhân viên tư vấn lại nhiệt tình nên tôi định cọc 50%. Nhưng việc họ liên tục nhắn tin hối thúc chuyển tiền khiến tôi cảnh giác và từ chối. Ngay sau đó, tài khoản Facebook của tôi cũng bị chặn”.
Nghiêm trọng hơn, nhiều người lao động đã mất trắng số tiền lớn để tổ chức du lịch tập thể. Chị N.M.P. (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã phải trình báo công an sau khi 5 lần chuyển tổng cộng hơn 45 triệu đồng cho một đối tượng lừa đảo đặt tour cho cơ quan. Chị L.H.O. (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng bị lừa gần 10 triệu đồng qua một Fanpage mạo danh thương hiệu du lịch lớn, đồng thời bày tỏ lo lắng khi thông tin cá nhân bị lộ.
Ma trận lừa đảo du lịch tinh vi
Tội phạm lừa đảo du lịch trực tuyến ngày nay không còn sử dụng những chiêu trò đơn giản. Thay vào đó, chúng xây dựng các kịch bản lừa đảo hết sức bài bản và chuyên nghiệp.
Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất là giả mạo các thương hiệu du lịch, khách sạn, hãng hàng không uy tín. Chúng tạo ra các website, fanpage với tên miền, logo, hình ảnh giống hệt bản gốc, đôi khi chỉ khác một vài ký tự nhỏ hoặc sử dụng đuôi tên miền lạ (.cc, .xyz, .tk...).
![]() |
Fanpage giả mạo khách sạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |
Để tăng độ tin cậy, các trang giả mạo này thường có lượng theo dõi “khủng” nhờ các công cụ ảo, đăng tải bình luận “chim mồi” tích cực, thậm chí còn chạy quảng cáo và sử dụng dấu tích xanh giả mạo, khiến người tiêu dùng rất khó nhận biết nếu không kiểm tra kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn tung ra các gói combo du lịch, phòng khách sạn với mức giá rẻ bất thường, thường đăng tải trong các hội nhóm du lịch kèm theo lời mời chào “tour phút chót”, “giảm giá sâu”, “chỉ còn vài suất cuối”. Chúng đánh vào tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội tốt của khách hàng, liên tục hối thúc chuyển tiền đặt cọc từ 30-50% hoặc toàn bộ chi phí để giữ chỗ, sau đó chiếm đoạt số tiền này và chặn mọi liên lạc.
Tinh vi hơn, chúng còn sử dụng chiêu trò “giao dịch lỗi”. Sau khi nạn nhân chuyển tiền lần đầu, kẻ lừa đảo sẽ thông báo giao dịch bị trục trặc (sai nội dung, hệ thống chưa nhận được tiền...) và yêu cầu nạn nhân chuyển khoản lại, đồng thời hứa sẽ hoàn trả khoản tiền đã chuyển “lỗi”. Tiếp đó, chúng có thể dẫn dụ nạn nhân kết nối với "”kế toán”, “bộ phận hoàn tiền” giả mạo, yêu cầu cung cấp mã OTP hoặc thực hiện các thao tác đáng ngờ trên ứng dụng ngân hàng nhằm chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản.
Một hình thức khác nhắm vào nhu cầu xuất ngoại là lừa đảo dịch vụ làm visa. Đối tượng quảng cáo dịch vụ làm visa du lịch với cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn tiền 100% nếu thất bại. Sau khi nhận tiền phí (một phần hoặc toàn bộ), chúng thường để nạn nhân tự loay hoay với việc khai thông tin, hoàn thiện hồ sơ, sau đó viện cớ nạn nhân khai thiếu sót, sai thông tin để từ chối trả lại tiền và không thực hiện bất kỳ dịch vụ nào.
Đối với dịch vụ vé máy bay, kẻ gian thường mạo danh các đại lý bán vé, tạo website, fanpage tương tự kênh chính thức và quảng cáo vé giá rẻ hấp dẫn. Để tạo lòng tin, chúng có thể gửi mã đặt chỗ (là mã giữ chỗ tạm thời, chưa xuất vé và sẽ tự hủy sau một thời gian) cho khách hàng sau khi nhận tiền, rồi biến mất. Nạn nhân chỉ phát hiện mình bị lừa khi đến sân bay và không có vé hợp lệ.
Những hành vi lừa đảo này không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các doanh nghiệp du lịch chân chính.
Chị Lại Anh Thư, đại diện một công ty lữ hành tại Hà Nội chia sẻ: “Việc các đối tượng mạo danh thương hiệu của chúng tôi và các đơn vị uy tín khác để lừa đảo khiến hình ảnh mà chúng tôi dày công xây dựng bị tổn hại nghiêm trọng. Khách hàng trở nên hoang mang, mất lòng tin, thậm chí nghi ngờ cả những chương trình khuyến mãi, ưu đãi thật sự mà chúng tôi đưa ra. Điều này buộc các công ty phải tốn thêm chi phí và nguồn lực để truyền thông cảnh báo, hướng dẫn khách hàng nhận diện kênh chính thức, gây ra những khó khăn không đáng có trong hoạt động kinh doanh”.
Tỉnh táo để an toàn
Trước ma trận lừa đảo ngày càng phức tạp, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Công an và các chuyên gia an ninh liên tục đưa ra cảnh báo và khuyến cáo người dân, đặc biệt là người lao động, cần hết sức tỉnh táo:
Thứ nhất, hãy luôn tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về đơn vị cung cấp dịch vụ. Nên ưu tiên lựa chọn các công ty lữ hành, khách sạn, đại lý vé máy bay, nền tảng đặt dịch vụ trực tuyến có uy tín, có giấy phép kinh doanh rõ ràng, địa chỉ cụ thể và thông tin liên hệ minh bạch được công bố trên các kênh chính thức. Có thể tham khảo danh sách các đơn vị uy tín do cơ quan quản lý du lịch địa phương công bố.
![]() |
Thứ hai, cần đặc biệt cảnh giác với những lời mời chào dịch vụ với mức giá rẻ bất thường, thấp hơn đáng kể (từ 30-50%) so với mặt bằng chung của thị trường. Đây thường là dấu hiệu rõ ràng của một cái bẫy.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra kỹ lưỡng tính xác thực của website và fanpage. Hãy chú ý đến tên miền (tránh các đuôi lạ, kiểm tra ký tự thừa/thiếu so với tên miền chính thức), tìm dấu hiệu xác thực (tích xanh chính chủ của nền tảng mạng xã hội), đối chiếu thông tin liên hệ trên website/fanpage với thông tin công khai của doanh nghiệp.
Trong quá trình giao dịch, cần hết sức thận trọng khi được yêu cầu chuyển tiền đặt cọc, nhất là vào tài khoản cá nhân. Nên yêu cầu có hợp đồng rõ ràng, hóa đơn điện tử hoặc phiếu xác nhận có dấu của công ty. Ưu tiên giao dịch trực tiếp nếu có thể hoặc chỉ chuyển khoản vào tài khoản đứng tên công ty được công khai chính thức. Tuyệt đối không bao giờ cung cấp mã OTP, mật khẩu tài khoản ngân hàng, hay thông tin thẻ tín dụng cho bất kỳ ai qua điện thoại, tin nhắn, email, ngay cả khi họ tự xưng là nhân viên công ty, ngân hàng hay bộ phận hỗ trợ.
Sau khi hoàn tất giao dịch, nên chủ động liên hệ trực tiếp với tổng đài chính thức của hãng hàng không, khách sạn để xác nhận lại tình trạng đặt vé, đặt phòng của mình, đảm bảo thông tin chính xác và kịp thời phát hiện bất thường.
Cuối cùng, khi nghi ngờ hoặc phát hiện mình đã bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng thu thập tất cả bằng chứng (tin nhắn, thông tin chuyển khoản, số điện thoại, đường link website/fanpage...) và trình báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ giải quyết, đồng thời giúp cơ quan chức năng ngăn chặn đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.
Bảo vệ thành quả lao động và tận hưởng những kỳ nghỉ ý nghĩa là quyền lợi chính đáng của mỗi người lao động. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của các chiêu trò lừa đảo du lịch trực tuyến, sự tỉnh táo và cẩn trọng là lá chắn cần thiết. Hãy là người tiêu dùng thông thái, tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn đối tác tin cậy và mạnh dạn tố giác tội phạm.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng một môi trường du lịch trực tuyến an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.