Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ không đạt mục tiêu 16,5 tỷ USD
Riêng quý 4/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,6 tỷ USD, giảm 3,4% so với quý 4/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5,3% so với quý 4/2021.
Lạm phát toàn cầu đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tỷ trọng lớn như Hoa Kỳ, các nước châu Âu; thị trường bất động sản Trung Quốc trầm lắng là những nguyên nhân chính làm chững lại tốc độ tăng trưởng toàn ngành trong năm 2022.
Top các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 11/2022 đạt 1,74 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước đó và giảm 7,7% so với tháng 11/2021.
Cộng dồn 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,687 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2021; đứng thứ 6 về trị giá trong số các mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 10,15 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 69,1% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, giảm so với tỷ trọng 74,73% của cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, ước kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước đó, và giảm khá mạnh so với tốc độ tăng trưởng của ngành này trong năm 2021 là 19,7%.
Tháng 11/2022, trong khi kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Australia, Đài Loan giảm so với tháng trước đó, đặc biệt thị trường Trung Quốc giảm 23,41%; Canada giảm 14,64% so với tháng trước đó. Ngược lại, tăng mạnh tại trường Đức, Pháp và Malaysia; tăng nhẹ tại thị trường Nhật Bản và Anh.
Trong 11 tháng đầu năm nay, dù chỉ tăng 0,57% nhưng Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm lớn nhất của Việt Nam, đạt gần 8 tỷ USD, chiếm tới 54% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm toàn thị trường.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Gỗ Hiệp Long cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm qua giảm là do tác động tổng hợp từ nhiều yếu tố, như ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 làm giảm xuất khẩu, sau đó là chiến tranh Nga – Ukraina và yếu tố lạm phát khiến các nhà nhập khẩu cảm thấy bất ổn nên xu hướng mua hàng để bán dần cũng giảm. Bên cạnh đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh trong thời gian qua, cũng là yếu tố chính tác động lên kim ngạch của ngành hàng này.
Hoa Kỳ là thị trường chủ lực của mặt hàng đồ gỗ nội thất Việt Nam
Hoa Kỳ là thị trường chủ lực đồ gỗ nội thất và đồ gỗ nội thất luôn là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam xuất sang thị trường này, và Việt Nam đang là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, do tình hình lạm phát ở Hoa Kỳ tăng cao nên người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu vào những mặt hàng lâu bền như đồ gỗ nên nhập khẩu mặt hàng này của Hoa Kỳ giảm mạnh, trong tháng 9, xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang thị trường này giảm đến 16,24% so với tháng 8, dù cộng dồn 9 tháng vẫn tăng 1,92% so với cùng kỳ năm ngoái và tỷ trọng nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 của Mỹ đã giảm 2,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.
“Muốn biết nhu cầu đồ gỗ nội thất ở thị trường Hoa Kỳ tăng hay giảm hãy nhìn vào chỉ số bán nhà của nước này. Nếu thị trường nhà đất ở Mỹ tăng thì nhu cầu đồ gỗ trang trí nội thất sẽ tăng, nhưng hiện nay thị trường nhà ở Mỹ đang giảm nên không có cơ sở nào để xuất khẩu đồ gỗ nội thất vào thị trường này tăng trưởng.
Bên cạnh đó, lạm phát ở Mỹ tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ nội thất, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu sang thị trường này trong năm nay. So sánh với những kỳ khủng hoảng vào năm 1998-1999 hay 2008-2009 thì khủng hoảng lần này ngành đồ gỗ bị ảnh hưởng nặng nề nhất”, Tổng Giám đốc Công ty Gỗ Hiệp Long nói.
Nhu cầu nhập khẩu thị trường Mỹ chậm lại
Hàng loạt đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát đang gia tăng tại Hoa Kỳ đã đẩy lãi suất thế chấp trên thị trường nhà ở lên cao, khiến nhiều người Mỹ không thể mua được nhà.
Dù lãi suất thế chấp đã giảm xuống từ mức cao nhất, nhưng vẫn cao gần gấp đôi so với năm 2021. Tuy nhiên, với đợt tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến sẽ diễn ra, lĩnh vực nhà ở có thể sẽ vẫn yếu cho đến năm 2023.
Đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chính chiếm tỷ trọng cao, trị giá xuất khẩu lớn, và mặt hàng này xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Hoa Kỳ, nhưng nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này tại Mỹ đã chậm lại bởi ảnh hưởng lạm phát cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nên trị giá xuất khẩu chung của mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam chỉ tăng nhẹ trong 11 tháng năm 2022 (trong 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tăng 17,8%).
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam có nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tăng trưởng sẽ đạt mức trên 15% trong năm 2023 khi kinh tế toàn cầu dần ổn định trở lại.