Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh phục hồi sản xuất kinh doanh, giúp thu nhập của đa phần người lao động được đảm bảo và ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình quan hệ lao động chưa thực sự ổn định. Đặc biệt là tình trạng nhiều doanh nghiệp bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động.
Đã có 472.214 lao động bị ảnh hưởng việc làm
Báo cáo được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố tại Hội nghị về tình hình cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp, chiều 28/11, chỉ ra tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên cả nước là hơn 178.000 đơn vị, góp phần tạo việc làm mới cho hơn 800.000 lao động.
Thu nhập của người lao động làm công hưởng lương bình quân khoảng 7,5 triệu đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 805 nghìn đồng), chủ yếu do tăng lương tối thiểu vùng và thu nhập ngoài lương trong dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, cũng có đến 122.000 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, khiến nhiều người lao động mất việc làm. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển từ khu vực công sang khu vực tư với số lượng lớn.
Tình trạng này căng thẳng hơn ở một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giầy khi thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động.
Trong khi đó, tình hình doanh nghiệp chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động cũng chưa tốt, nhất là các quy định về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội.
Cá biệt, báo cáo chỉ ra có những doanh nghiệp mặc dù sản xuất kinh doanh tăng trưởng vẫn lợi dụng ảnh hưởng tình hình dịch bệnh nhằm không tăng hoặc cắt giảm các phúc lợi đã thỏa thuận dẫn đến những bức xúc trong công nhân lao động.
Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội diễn ra ở nhiều địa phương với tổng số tiền nợ (phải tính lãi) là gần 14.600 tỷ đồng, chiếm 3,4% số phải thu. Tình trạng chủ doanh nghiệp "bỏ trốn" để lại khoản nợ lớn tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn diễn ra, chưa có giải pháp hữu hiệu, kịp thời.
Tính đến thời điểm công bố báo cáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, có tổng 1.235 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất.
Trong đó, nhiều nhất là các ngành dệt may với 260 doanh nghiệp, chiếm 18,8%; da giầy có 109 doanh nghiệp, chiếm 8,82%; chế biến gỗ với 196 doanh nghiệp, chiếm 15,86%; điện tử 62 doanh nghiệp, chiếm 5,02%; cơ khí 31 doanh nghiệp, chiếm 2,51% và các doanh nghiệp khác có 612 doanh nghiệp, chiếm 49,51%.
Số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm là 472.214 lao động, chiếm 64,54% tổng số lao động tại các doanh nghiệp. Trong đó, số lao động thôi việc, mất việc là 41.558 người, chiếm 8,80%; số lao động giảm giờ làm là 430.665 người, chiếm 91,20%.
Về loại hình, số doanh nghiệp Nhà nước bị ảnh hưởng là 0 lao động; doanh nghiệp dân doanh có 118.889 lao động, chiếm 25,18%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 353.324 lao động, chiếm 74,82%.
Nguồn: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam |
Nguyên nhân cắt giảm việc làm, lao động được các doanh nghiệp giải thích, do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chi phí đầu vào cao. Doanh nghiệp bị thiếu, cắt giảm đơn hàng trực tiếp từ nhà mua hàng nước ngoài hoặc bị cắt, giảm đơn hàng do khách hàng là các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng từ nhà mua hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng còn do nhiều yếu tố tác động, trong đó có yếu tố sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản…), chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, bất ổn chính trị tại các khu vực trên thế giới, lãi suất vay vốn trong nước cao.
Dự kiến 271.736 lao động tiếp tục bị cắt giảm giờ làm
Trước tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý 2/2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định tình hình việc làm của người lao động tiếp tục khó khăn.
Dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp 15.769 lao động.
Tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và các chế độ của người lao động sẽ diễn ra. Đặc biệt là việc doanh nghiệp lợi dụng tình hình để thanh lọc, đẩy người lao động từ trên 35 tuổi ra khỏi doanh nghiệp để tuyển dụng lao động trẻ hơn, chi phí thấp hơn.
Những nguy cơ trên dẫn đến một bộ phận người lao động trở nên lo lắng về thu nhập, đời sống trước biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu, tiền thưởng và các khoản phúc lợi trong dịp Tết 2023.
Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn diễn ra chưa có các giải pháp thực sự hữu hiệu, ổn định, lâu dài. Nhiều nơi tín dụng đen vẫn xâm nhập vào đời sống của người lao động
Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các công đoàn cơ sở nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án lao động, duy trì nhiều nhất việc làm cho người lao động, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Theo nguồn: Mekongasean.vn