Sản xuất đồ điện gia dụng tại nhà máy của Công ty TNHH Panasonic Life Solutions Việt Nam, Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn ổn định được đơn hàng, gia tăng sản xuất để hoàn thành hợp đồng.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong duy trì sản xuất, kinh doanh do đơn hàng giảm sút, người lao động phải giảm giờ làm hoặc nghỉ việc.
Các cấp, các ngành đang đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động khắc phục khó khăn gắn với ổn định thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Biến động thị trường lao động
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, từ tháng 9/2022 đến nay, bên cạnh các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh tốt, mở rộng sản xuất, tuyển thêm lao động, nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương, đặc biệt là ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn, bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm.
Đối với thị trường lao động, loại trừ yếu tố biến động cục bộ, việc người lao động mất việc hiện nay tác động lớn đến tính bền vững của thị trường, thúc đẩy dòng chuyển dịch lao động từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức diễn ra mạnh hơn và khó kiểm soát hơn.
Thực trạng này cũng làm giảm lực lượng lao động có tay nghề, kinh nghiệm, đã qua đào tạo khỏi thị trường lao động vốn đã thiếu hụt lao động chất lượng cao đến nay giảm nguồn cung trong ngắn hạn.
Số liệu tổng hợp của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở cho thấy, từ tháng 9 đến giữa tháng 12/2022, trên 1.240 doanh nghiệp gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng, phải giảm giờ làm của trên 482.000 người lao động.
Số lao động bị ảnh hưởng tập trung ở các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ chủ yếu ở các tỉnh, thành phố như TP. HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Nai, trên 24.000 lao động trên địa bàn tỉnh đã bị mất việc làm, bị ngừng việc hoặc phải tạm hoãn hợp đồng.
Những doanh nghiệp, ngành nghề sử dụng nhiều lao động phổ thông sẽ chịu sự ảnh hưởng nặng nề hơn so với những doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ. Do đó, việc làm, thu nhập, cuộc sống của bản thân và gia đình những lao động tại những doanh nghiệp trên dễ bị tổn thương, tác động nặng nề hơn.
Tương tự, tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, thời gian qua, thị trường lao động có nhiều biến động do các nguyên nhân khách quan.
Sau dịch COVID-19, trên địa bàn Bình Dương xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, từ tháng 6/2022 do ảnh hưởng chung của tình hình thế giới, các đơn hàng bị cắt giảm dẫn đến thiếu việc làm cho người lao động.
Như doanh nghiệp ngành gỗ bị ảnh hưởng khá nặng nề về thị trường xuất khẩu và nguyên liệu, tiếp theo là ngành da giày, dệt may. Đây là các ngành thâm dụng nhiều lao động nên người lao động tại các doanh nghiệp thuộc ngành này bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Tại Bình Dương có khoảng 37.000 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động và trên 250.000 lao động giảm giờ làm.
Đảm bảo an sinh, ổn định thị trường lao động
Trước tình hình nhiều lao động phải giảm giờ làm hoặc mất việc làm, các cấp, các ngành và doanh nghiệp đang có những giải pháp giảm khó khăn cho công nhân, góp phần ổn định thị trường lao động.
Sản xuất chả giò tại Công ty chả giò Kim Ngọc Food, Long An. (Ảnh minh họa: TTXVN ) |
Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các cấp công đoàn đã chủ động nắm kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, mất việc làm.
Đồng thời tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động bị mất việc làm; tham gia, đề xuất với doanh nghiệp xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và công bố trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày.
Các cấp công đoàn cùng đề xuất tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động, tăng cường đào tạo, đào tạo lại để tiếp tục sử dụng người lao động; trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động thì phải đảm bảo quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, bên cạnh các hoạt động của tổ chức công đoàn, nhằm giảm khó khăn cho người lao động, giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, góp phần ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023, cần nhiều giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường lao động, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường.
Các đơn vị chức năng tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động, triển khai các hình thức giúp người lao động dễ tiếp cận thông tin tuyển dụng, các nguồn tuyển dụng uy tín, các doanh nghiệp, tổ chức đang cần tuyển lao động.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các hiệp hội người sử dụng lao động trong kết nối để giới thiệu việc làm cho lao động từ các doanh nghiệp không bố trí được việc làm tới các doanh nghiệp là thành viên của các hiệp hội cần tuyển dụng lao động.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương thông tin Bình Dương đã tổ chức gặp gỡ, nắm bắt tình hình với đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, đại diện công đoàn để thảo luận hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt khó.
Các ngành, đoàn thể trong tỉnh Bình Dương tập trung chăm lo ổn định đời sống cho người lao động, giới thiệu, điều tiết lao động từ các doanh nghiệp đang cắt giảm lao động sang các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.
Tỉnh Bình Dương sẽ chi gần 271 tỷ đồng để chăm lo Tết cho các đối tượng, tăng mức chi chăm lo Tết cho một số đối tượng, chủ yếu ở nhóm đối tượng công nhân lao động khó khăn.
Tương tự, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho hay, nhằm duy trì việc làm, đưa thị trường lao động trở lại ổn định, trước mắt và lâu dài, tỉnh Đồng Nai xác định các giải pháp trọng tâm như tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp; cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.
Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của chương trình giải quyết việc làm, đa dạng hóa các hình thức tạo việc làm kết hợp đào tạo nghề; mở nhiều sàn giao dịch phù hợp với đặc điểm của địa phương và đối tượng tham gia, nâng cao năng lực tư vấn, giới thiệu việc làm của trung tâm dịch vụ việc làm trong vận hành sàn giao dịch.
Tỉnh cũng tăng cường sự phối hợp, kết nối thông tin giữa các trung tâm dịch vụ việc làm với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động.
Theo nguồn: vietnamplus.vn