Thu nhập nâng cao từ phát triển vùng trồng bưởi hữu cơ
Xã Yên Sở, huyện Hoài Đức là vùng sản xuất bưởi tập trung của TP.Hà Nội, với nhiều giống bưởi đặc sản có từ 40-50 năm về trước, chất lượng cao như: Bưởi Diễn tôm vàng, bưởi đào đường, bưởi Diễn tôm xanh... Qua hàng chục năm phát triển, cây không phụ lòng người, mỗi năm cho thu nhập từ 50 triệu đến hàng trăm triệu đồng/1 sào. Qua đó đã góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân trong xã.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Hữu Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Yên Sở, huyện Hoài Đức cho biết xã Yên Sở nằm bên bờ sông Đáy nên nhận được lượng phù sa màu mỡ bồi đắp. Vì vậy, đất nơi đây rất thuận lợi và phù hợp để phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây ăn quả. Toàn xã có 160,3 ha diện tích cây ăn quả, diện tích trồng cây bưởi chiếm 70 ha. Trong năm 2022, xã đã trồng mới được thêm 5 ha. Đối với diện tích bưởi đang trong thời kỳ kinh doanh là 45 ha, sản lượng hằng năm đạt 1.800 tấn.
Trước đây bưởi Diễn chỉ được bà con canh tác nhỏ lẻ trong các khu vườn của gia đình. Nhưng từ những năm 1999-2000, người dân đã nhận thấy lợi ích của việc thâm canh cây bưởi nên chuyển sang trồng tập trung. Đến nay diện tích trồng bưởi này đã được 23 năm và mang lại nguồn thu nhập tốt cho các hộ dân. Đây cũng là kết quả từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Hoài Đức và xã Yên Sở, chuyển từ canh tác lúa năng suất thấp cũng như cải tạo vườn tạp sang trồng bưởi, mang lại thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.
Xã Yên Sở là vùng sản xuất bưởi tập trung của Thành phố với nhiều giống bưởi đặc sản có chất lượng cao như: Bưởi Diễn tôm vàng, bưởi đào đường, bưởi Diễn tôm xanh... HTX đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong thâm canh bưởi VietGAP, hữu cơ cũng như phát triển mở rộng diện tích sản xuất bưởi trên toàn xã. Đối với vùng trồng bưởi 20 năm tuổi của HTX đã được cấp mã số vùng trồng, đây chính là điều kiện để phục vụ mục tiêu cho việc xuất khẩu sau này.
Yên Sở là vùng trồng bưởi Diễn nổi tiếng, có từ 40-50 năm trước, với giống bưởi Diễn tôm vàng, có độ thơm và ngọt đậm rất đặc trưng mà khó có loại bưởi nào có được. Để đẩy mạnh phát triển vùng trồng bưởi Diễn, thời gian qua, xã đã nhận được sự phối hợp chỉ đạo sát sao của lãnh đạo xã, lcán bộ kỹ thuật Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội trong quá trình triển khai thực hiện, là điều kiện cơ bản để mô hình thâm canh bưởi VietGap, hữu cơ đạt hiệu quả.
Các hộ tham gia đều là hộ tiên phong trong phong trào chuyển đổi sản xuất hữu cơ, nhiệt tình tiếp thu các tiến bộ các kỹ thuật mới, các hộ đã chuyển đổi sử dụng phân bón nguồn gốc hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đạt hơn 95% áp dụng trong mô hình. Đặc biệt, điều kiện nước tưới, đất đai tại địa phương rất thuận lợi cho việc phát triển cây bưởi.
Theo ông Trần Hữu Tâm, hiện bưởi bán tại vườn có giá khoảng 40.000-45.000 đồng/quả (loại 1), một sào sẽ cho thu nhập từ 45-50 triệu đồng. Trong xã, hộ trồng nhiều thường có 4-5 sào, trồng ít khoảng 1-2 sào, trong đó có một số hộ gia đình trồng bưởi nổi tiếng như hộ gia đình ông Nguyễn Trí Kính ở thôn 8; ông Nguyễn Văn Lương, ông Nguyễn Văn Thịnh ở thôn 9… mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/sào.
"So với các địa phương khác, diện tích trồng bưởi của Yên Sở do không tích tụ được ruộng đất nên việc triển khai trên quy mô lớn còn khó khăn. Nhưng đây cũng là lợi thế để bà con nông dân triển khai mô hình bưởi hữu cơ đạt được hiệu quả. Bởi họ sẽ nắm rõ từng gốc cây, nhành quả để tận tâm chăm sóc chu đáo. Như vậy quả bưởi mới đạt được chất lượng cao và mang hương vị thơm ngon, đậm vị ngọt đặc trưng, khác so với làm đại trà.", ông Tâm cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đắc Hợi, thôn 8, xã Yên Sở cho biết, diện tích trồng bưởi của gia đình ông tuy không nhiều nhưng đây cũng là điều kiện thuận lợi để hộ tham gia xây dựng, phát triển mô hình bưởi hữu cơ được tốt hơn. Nhờ chăm bón cẩn thận và áp dụng khoa học kỹ thuật, nhất là được sự ủng hộ, hỗ trợ của Sở NN&PTNT, Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức và xã Yên Sở, nên gia đình ông cùng bà con trong xã đã được hỗ trợ phân vi sinh, đậu tương và tham gia các lớp tập huấn trồng bưởi hữu cơ, qua đó đã giúp cây bưởi phát triển xanh tốt, ra sai hoa đậu quả, ít bị sâu bệnh.
Hiện ông Hợi bán lẻ bưởi với 40.000 đồng/quả, bán buôn cả vườn có giá 35.000 đồng/quả. Tuy giá cao hơn so với mặt bằng chung nhưng theo ông Hợi giá cả luôn tương xứng với chất lượng. Vì vậy, hiện vườn bưởi của ông khách đã đặt lấy hết và không còn bưởi để bán dịp áp Tết Nguyên đán nữa.
Có thể thấy, việc tập trung phát triển nông nghiệp, phát huy và khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân mà còn giúp hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đặc biệt, sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ và đăng ký cấp mã số vùng trồng là tiền đề và điều kiện để xã Yên Sở hướng tới xây dựng quả bưởi thành sản phẩm chủ lực, tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), phấn đấu đạt OCOP 4 sao hoặc 5 sao.
Theo nguồn: baochinhphu.vn