Nhân công tỉa nụ cho hoa cúc đại đóa tại làng trồng hoa Kim Dinh, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN) |
Cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tất bật chuẩn bị cho vụ sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Tết.
Những ngày này, tại làng hoa Kim Dinh, TP. Bà Rịa, người dân trồng hoa đang hối hả chuẩn bị công đoạn cuối cùng trước khi đưa hoa ra thị trường.
Ông Nguyễn Văn Long ở khu phố Hải Dinh, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa chuẩn bị 8.000 chậu hoa các loại; trong đó, chủ yếu là hoa cúc đại đóa.
Ông Long chia sẻ dịch bệnh COVID-19 kiểm soát tốt, ổn định nên ông đã tăng gấp đôi số lượng chậu hoa so với năm ngoái. Để kịp cho hoa nở đúng dịp tết, gần 2 tuần qua, ông đã phải tăng cường lượng công nhân lên 30 người để tập trung nhặt nụ, chỉnh trang cây. Đây gần như là công đoạn cuối cùng nhằm giữ lại nhưng nụ to, đẹp nhất để cây tập trung nuôi, đồng thời chỉnh lại dáng cây sao cho đẹp mắt.
Đến nay, toàn bộ vườn của ông Long đều đã có thương lái đến đặt cọc, giá cả tùy loại, đa phần cao hơn so với các năm trước vì giá nhân công, phân bón đều tăng lên.
Thời tiết dịp cuối năm hiện đang khá ít gió, cũng ảnh hưởng ít nhiều đến màu sắc của hoa và lá. Do đó, để chậu hoa đạt chất lượng, từ giờ tới lúc xuất bán, ông chú trọng chăm sóc, phun thuốc, tưới cây để màu sắc chậu hoa được như ý.
Theo tính toán của ông Long, năm nay chi phí tăng nên giá cũng tăng khoảng 10-15%, dự kiến vườn hoa của ông sẽ thu về lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng trong dịp tết này.
Phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa, hiện có khoảng 155 hộ đang trồng hoa trên diện tích khoảng 22ha, chủ yếu các lại như hoa đại đóa, vạn thọ, lay ơn, huệ, hoa hồng, cát tường, lay ơn.... So với 2 năm trước, năm nay người dân đã tăng diện tích trồng và sản lượng chậu cũng tăng gấp 1/3 lần, ước tính dự kiến làng hoa sẽ cung ứng ra thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 khoảng 440.000 chậu lớn, nhỏ.
Hiện nay, đa số hoa tại các vườn đã được thương lái đặt hàng thu mua. Thị trường cung cấp chủ yếu trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, TP. HCM, Bình Thuận, Bình Phước...
Tại làng nghề bánh tráng xã An Ngãi, huyện Long Điền, không khí hối hả của những người thợ làm bánh tráng ở khắp nơi. Dịp tết không chỉ là vụ sản xuất quan trọng của năm mà còn là nét truyền thống không thể thiếu trong món ăn ngày tết cổ truyền của người dân địa phương.
Bà Lương Thị Hồng Trang ở ấp An Bình, xã An Ngãi, huyện Long Điền cho biết nghề làm bánh tráng được duy trì trong năm, song vụ Tết vẫn được mọi người chú trọng hơn cả. Để có thể làm đủ bánh phục vụ thị trường, trước mỗi dịp Tết, bà sẽ tính toán số lượng sản xuất để chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu phù hợp.
Phơi bánh tráng tại làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền chuẩn bị phụ vụ Tết. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN) |
Bà Trang cho hay bắt đầu tháng Chạp Âm lịch, các cơ sở làm bánh tráng hoạt động liên tục, làm bao nhiêu thương lái đều mua hết, do không có đủ sức khỏe, nên hiện nay, cơ sở của bà chỉ cho ra lò khoảng 1.800-2.000 bánh/ngày.
"Nghề làm bánh tráng dễ mà không dễ, vất vả, có thu nhập quanh năm nhưng đồng lời không nhiều nên nhiều người cũng bỏ nghề để đi làm tìm kế sinh nhai. Nặng nợ với nghề hơn 30 năm qua, ngày nào gia đình tôi cũng dậy sớm để làm bánh, bởi ngoài duy trì cuộc sống, đây còn là nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu trong ngày Tết của người dân địa phương, nên dù vất vả chúng tôi vẫn muốn giữ nghề," bà Trang bộc bạch.
Làng bún Long Kiên ở phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa hiện còn khoảng 40 hộ đang duy trì sản xuất các mặt hàng như bún, hủ tiếu, bánh canh, phở...
Ông Nguyễn Thái Hiếu, chủ cơ sở bún tại khu phố 6, cho biết lượng bún bán ra ngày Tết thường sẽ tăng cao so với ngày thường. Do đó, ngay từ sau Lễ Giáng sinh ông đã chủ động nhập hơn 15 tấn gạo để làm bún, phục vụ thị trường trước và sau Tết.
Theo ông Hiếu, thời điểm cận tết, các cơ sở đều tăng cường sản xuất, nếu mình không chủ động nhập trước sẽ không có đủ nguyên liệu để làm. Hiện nay, cơ sở của ông cung cấp ra thị trường từ 1,5-1,8 tấn bún/ngày, nhu cầu trước, trong và sau Tết sẽ tăng thêm khoảng 30%. Do vậy, ông đã đầu tư hệ thống máy móc tự động, cùng đó gia tăng gia sản xuất thêm 1-2 tiếng/ngày để đủ hàng cung cấp cho thương lái.
Chưa đến một tháng nữa là Tết Nguyên đán, trong không khí "vào vụ" ở các làng nghề, người dân mong có thêm thu nhập từ vụ tết này, để đón mùa Xuân thêm ấm no, hạnh phúc.
Theo nguồn: TTXVN