Nỗ lực duy trì việc làm cho công nhân
Công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Đồng Nai) được phổ biến kiến thức, nâng cao tay nghề trong thời gian chờ việc làm. Ảnh: Hà Anh Chiến |
Tìm đủ cách xoay xở
Lo lắng, băn khoăn trước tình hình khó khăn chung, ông Lê Nhật Trường - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) “ăn không ngon, ngủ không yên” vì doanh nghiệp có tới 25.000 đoàn viên NLĐ. Chỉ một thay đổi nhỏ cũng ảnh hưởng tới thu nhập và việc làm của số lượng lớn NLĐ cũng như gia đình của họ. Chính vì vậy, ông Trường cùng BCH Công đoàn cơ sở đã nỗ lực thương lượng với ban giám đốc công ty để giữ được việc làm và thu nhập ổn định cho NLĐ.
Ông Trường kể, thời gian qua, do khó khăn về đơn hàng, doanh nghiệp đã tìm đủ cách xoay xở, tìm các đơn hàng gia công từ các công ty nhỏ về để công nhân có việc làm, nhờ đó phần lớn NLĐ tại công ty vẫn có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, công ty cũng có một xưởng sản xuất đồ dùng gia dụng với khoảng 5.000 công nhân gặp khó về đơn hàng và phải nghỉ sản xuất gần 2 tháng.
Dự báo được NLĐ khi phải nghỉ làm thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém nhiều chi phí cũng như dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội, BCH Công đoàn cùng ban giám đốc công ty thương lượng với NLĐ để họ tiếp tục vào nhà máy mỗi ngày, làm các công việc khác như vệ sinh nhà xưởng, lau kính, tham gia các buổi tuyên truyền về pháp luật lao động, tham gia các cuộc thi thể dục thể thao, thi kiến thức pháp luật… và được NLĐ chấp thuận.
Sau những nỗ lực không mệt mỏi của ban lãnh đạo công ty và các tổ chức thì 25.000 lao động tại công ty vẫn giữ được việc làm và thu nhập. Công ty còn nỗ lực cân đối kinh phí, nâng mức thưởng Tết lên cao nhất có thể cho NLĐ, hỗ trợ 100% giá vé lượt đi cho công nhân có nhu cầu về quê đón Tết… tạo thêm lòng tin và gắn bó với công ty.
Còn tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam, chuyên gia công giày da xuất khẩu của Nike có khoảng 40.000 lao động, ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch Công đoàn cơ sở đã thường xuyên làm việc với công ty trong thời điểm khó khăn về đơn hàng nhằm bàn bạc cùng doanh nghiệp bằng mọi giá phải giữ chân được lao động, không để xảy ra tình trạng cắt giảm lao động. Ông Tú cho biết, hiện là thời điểm khó khăn với công ty giày da do đơn hàng giảm. Tuy nhiên, công ty và công đoàn liên tục có các cuộc họp bàn giải pháp để cùng nhau vượt qua khó khăn. “Đến thời điểm này, tôi khẳng định NLĐ có thể bị giảm giờ làm việc, nhưng thu nhập chưa giảm. Chúng tôi sẽ có thêm nhiều cuộc họp để tìm kiếm giải pháp giảm bớt khó khăn này”, ông Tú khẳng định.
Không chỉ công nhân tìm việc mà nhiều doanh nghiệp cũng chủ động đi tìm công nhân. Sau khi đọc được những bài phản ánh của Báo Lao Động về việc hơn 1.200 công nhân thuộc Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TPHCM) bị mất việc, Công ty TNHH Vina O’Shoe - chuyên sản xuất giày dép của Nhật Bản thuộc KCN Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) đã đề nghị xin thông tin liên lạc để kết nối, tạo việc làm cho những lao động này.
Bà Trịnh Thị Yến - Trưởng phòng nhân sự cho hay công ty này có quy mô nhỏ và vừa với khoảng hơn 200 nhân viên. Hiện nay, công ty đang nhận được rất nhiều đơn hàng và đang mở rộng quy mô, khối lượng công việc tương đối nhiều. Do đó, việc tuyển dụng lao động cũng diễn ra liên tục.
Chính vì thế, khi nhiều công ty cắt giảm lao động thì Công ty TNHH Vina O’Shoe sẵn sàng tuyển dụng NLĐ có kinh nghiệm làm việc, có tay nghề.
“Chúng tôi mong muốn kết nối với những lao động bị mất việc tại TPHCM kể cả những người không thường trú ở miền Bắc. Nếu có thâm niên lâu năm, có tay nghề chúng tôi sẽ hỗ trợ nhà ở, bảo đảm đầy đủ các chế độ cho NLĐ. Công nhân chỉ cần yên tâm làm việc”, bà Yến bày tỏ.
LĐLĐ các cấp cũng phối hợp với ngành LĐTBXH tìm kiếm giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ NLĐ, nhằm họ dễ dàng tìm kiếm việc làm.
Chính quyền vào cuộc cùng doanh nghiệp
Theo ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong bối cảnh thiếu việc làm, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp FDI, đại diện công đoàn để thảo luận về khó khăn của doanh nghiệp và NLĐ. Qua đó, động viên và có chỉ đạo các sở ngành, địa phương có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ gặp khó khăn.
Trước mắt, UBND tỉnh đề nghị Sở LĐTBXH tỉnh phối hợp LĐLĐ tỉnh và các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động ở doanh nghiệp.
Về lâu dài, tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; Hỗ trợ lao động chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao tay nghề, giới thiệu việc làm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, hiện nay nhiều ngành nghề trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu tuyển khoảng 10.000 lao động. Các ngành, địa phương đang tích cực kết nối, giới thiệu việc làm cho NLĐ.