Lao động làm việc ở nước ngoài về nước tìm kiếm việc làm. Ảnh: Anh Thư |
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tổng chỉ tiêu đi Hàn Quốc năm 2022 trong chương trình EPS là 2.800, bao gồm các ngành sản xuất chế tạo (1.500 chỉ tiêu), nông nghiệp (855 chỉ tiêu) và ngư nghiệp (422 chỉ tiêu).
Từ năm 1992 đến nay, có trên 120.000 lượt lao động sang Hàn Quốc làm việc. Trong đó, có 90% lao động đang làm việc theo chương trình EPS, thu nhập trung bình 1.400 - 1.800 USD/tháng.
Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc đã thông báo về phương án sửa đổi chế độ cấp phép tuyển dụng đối với lao động nước ngoài. Trong đó, nước này sẽ áp dụng đặc cách có điều kiện để thời gian cư trú kéo dài lên thành 10 năm thay vì 4 năm 10 tháng như hiện nay.
Chế độ cấp phép tuyển dụng này được Chính phủ Hàn Quốc áp dụng từ năm 2004 (cấp phép cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tuyển dụng nhân lực trong nước có thể tuyển dụng nhân lực nước ngoài theo diện visa lao động phổ thông E-9), người lao động chỉ có thời gian cư trú tối đa là 4 năm 10 tháng.
Tuy nhiên, thời gian tới Chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng đặc cách để những người lao động nước ngoài làm việc liên tục trong một thời gian dài tại một doanh nghiệp và thỏa mãn các điều kiện nhất định có thể làm việc tối đa trong vòng 10 năm.
Cụ thể, ở lĩnh vực chế tạo, điều kiện là người nước ngoài phải làm việc trên 24 tháng tại nơi làm việc đầu tiên khi đặt chân tới Hàn Quốc, hoặc người nước ngoài làm việc trên 30 tháng tại cùng một công ty. Đối với các ngành nghề phi chế tạo thì điều kiện về thời gian làm việc sẽ ngắn hơn 6 tháng.
Ngoài ra, một số điều kiện khác là người nước ngoài sẽ phải hoàn thành bậc 3 trở lên chương trình đào tạo hòa nhập xã hội do Bộ Tư pháp Hàn Quốc (MOJ) tổ chức và đạt điểm trên mức nhất định trong Kỳ thi năng lực tiếng Hàn (TOPIK).
Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc cũng quyết định đưa lĩnh vực bốc xếp hàng hóa (như vận chuyển thịt) vào phạm vi cấp phép visa E-9, cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài ngắn hạn dưới 3 tháng.