Ai đang chịu trách nhiệm giám sát hợp nhất thị trường tài chính Việt Nam?
Nguy cơ rủi ro hệ thống hiện hữu…
Thực tiễn chỉ ra, những thách thức, rủi ro cho kinh tế Việt Nam nói chung, thị trường tài chính Việt Nam nói riêng, chủ yếu đến từ các yếu tố quốc tế đầy bất định và bất lợi, kéo theo phản ứng chính sách quyết liệt của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố khách quan này, những yếu kém, bất cập trong nước vốn bị tích tụ qua thời gian dài, nay gặp điều kiện bên ngoài tiêu cực, đã và đang bộc lộ ra. Cụ thể như nguy cơ rủi ro lan truyền đang gia tăng giữa khu vực bất động sản suy giảm với khu vực thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng, thị trường tiền tệ,… khiến niềm tin của thị trường bị sa sút nghiêm trọng.
Tóm gọn một câu: nguy cơ rủi ro hệ thống đang hiện hữu. Một số chuyên gia đã liên tưởng tới cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính ở Việt Nam cách đây hơn một thập kỷ, dù bối cảnh và vị thế đất nước ở hai giai đoạn khá khác nhau...
May thay giờ đây, Chính phủ đã nhanh chóng nhận diện rõ vấn đề và đang chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương liên quan sớm có các giải pháp chính sách sáng tạo, mạnh mẽ, quyết đoán, cả căn cơ và thậm chí cả xử lý tình thế, nhằm giải quyết hữu hiệu rủi ro đã đề cập.
Thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường vốn suy giảm và những hệ lụy…
Quan sát giai đoạn đại dịch COVID 2020-2021, vấn đề “tiền rẻ”, “tiền nhàn rỗi” rõ ràng là một trong những nguyên nhân quan trọng đã thổi bùng giá bất động sản ở nhiều khu vực, nhiều địa phương trong cả nước, tương tự tình trạng nhiều nơi trên thế giới.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý chặt chẽ tăng trưởng tín dụng và siết dòng vốn vào những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, các doanh nghiệp chủ yếu thuộc loại hình này đã chớp cơ hội nới lỏng trong quy định pháp luật về xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tranh thủ phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước với lãi suất cao, đa số có kỳ hạn ngắn chỉ 3 đến 5 năm, thậm chí kèm theo cam kết hấp dẫn mua lại trước hạn hoặc hoán đổi, chuyển đổi, nhằm hút nguồn tài lực cho các dự án đầy tham vọng của mình. Một số ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quỹ, … cũng hăng hái đứng ra làm môi giới hoặc tư vấn, bảo lãnh cho doanh nghiệp phát hành. Quy mô lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành bùng nổ trong giai đoạn 2019-2021 và đa số lượng đang lưu hành sẽ đáo hạn từ nay tới cuối năm 2025, tập trung chủ yếu vào 2 năm 2023-2024.
Cụ thể, theo nguồn Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), lũy kế tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong nước tới ngày 02/12/2022 đạt 2,223 triệu tỷ đồng (riêng của khối doanh nghiệp bất động sản chiếm 1/3 và thực tế rất có thể còn lớn hơn số liệu thống kê), trong đó lượng đã đáo hạn 670 nghìn tỉ đồng, lượng được mua lại trước hạn hoặc hoán đổi, chuyển đổi 332 nghìn tỉ đồng, hiện còn 1,221 triệu tỉ đồng trái phiếu đang lưu hành, tương đương gần 11% tổng dư nợ tín dụng ngành ngân hàng và ước cỡ 12-13% GDP hiện hành.
Tổng nợ đáo hạn trái phiếu từ tháng 12/2022 tới hết năm 2025 là khoảng 900 nghìn tỉ đồng, trong đó riêng của khối doanh nghiệp bất động sản là gần 340 nghìn tỉ đồng. Trong tổng số nợ trái phiếu đáo hạn này, lượng của riêng 2 năm 2023-2024 đã chiếm tới 70%.
Con số lượng đáo hạn theo năm là vậy, nhưng nó có thể sẽ đến sớm hơn, dồn dập hơn khi mà các cam kết mua lại trái phiếu trước hạn của nhà phát hành hoặc nhà bảo lãnh phát hành bị kích hoạt nếu rủi ro tỉ giá dâng cao, mặt bằng lãi suất tăng mạnh và niềm tin thị trường bị khủng hoảng.
Thực tế có vẻ đang diễn ra như vậy.
Khi triển vọng kinh tế kém lạc quan và điều kiện tiền tệ bị thắt chặt, thị trường bất động sản một số phân khúc lớn đã nguội nhạt đi ở nhiều khu vực. Theo đó, dòng tiền lưu chuyển tất yếu bị chậm lại, thậm chí ngưng trệ cục bộ, khiến áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn hoặc mua lại trước hạn sẽ càng trở nên thách thức hơn, đặc biệt trong bối cảnh Nghị định 65/2022/NĐ-CP ban hành ngày 16/9/2022 mang tinh thần siết lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Nối tiếp vụ FLC, Tân Hoàng Minh nổ ra hồi nửa đầu năm nay, vụ Vạn Thịnh Phát vừa bục ra đầu tháng 10 này đã kích hoạt rủi ro lan truyền sang thị trường chứng khoán, thị trường tín dụng ngân hàng,... Nợ xấu hoặc nguy cơ xấu nổi lên và áp lực thanh khoản xuất hiện ở một số ngân hàng, điển hình như trường hợp NHTMCP Sài Gòn - SCB…
Ngân hàng Nhà nước đã tức thì và quyết liệt ngăn chặn nguy cơ rủi ro thanh khoản hệ thống mới xuất hiện. Nhưng việc đột ngột phải chuyển mục tiêu ưu tiên số 1 là bảo vệ tỉ giá - kiểm soát lạm phát sang thanh khoản hệ thống - lãi suất tiền tệ khiến tiềm ẩn rủi ro về chính sách...
TS. Trịnh Quang Anh, Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) |
Chính phủ đã và đang làm gì?
Như đã đề cập, Chính phủ đã nhanh chóng nhận diện sâu sắc vấn đề và đang sát sao theo dõi, chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương liên quan có ngay các giải pháp chính sách tháo gỡ, hỗ trợ, xử lý thiết thực, hiệu quả.
Cụ thể, ngay từ phiên họp Chính phủ thường kỳ Tháng 10, Chính phủ đã bàn thảo và ra được Nghị quyết số 143/NQ-CP, trong đó đề cập khá trúng, khá toàn diện thực trạng tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam, đặc biệt về những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản. Theo đó, Chính phủ đề ra các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể cho các bộ ngành liên quan mật thiết tới vấn đề đang bàn như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường,… để phối hợp ăn ý, tập trung hóa giải rủi ro hệ thống mới bộc lộ.
Chính phủ đã khẩn trương họp triển khai với một số bộ ngành, địa phương chủ chốt, đồng thời cũng tổ chức một số hội nghị chuyên đề để lắng nghe các ý kiến, đề xuất, khuyến nghị từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các hiệp hội và giới chuyên gia nhằm giải quyết một cách căn cơ, kể cả khẩn cấp tình thế vấn đề.
Tiếp theo, ngày 17/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tổ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm Tổ phó, Thành viên gồm có Thứ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Công an,…
Thị trường đang dõi theo mọi động thái chính sách cụ thể của Chính phủ và bước đầu tâm lý đã có những cải thiện tích cực...
Ai đang chịu trách nhiệm giám sát hợp nhất thị trường tài chính Việt Nam?
Trở lại câu hỏi từ đầu bài viết, chúng ta dễ dàng thừa nhận một thực tế là: thị trường vốn non trẻ của Việt Nam rõ ràng khá dễ tổn thương và thể chế để bảo vệ thị trường này đang đi sau khá xa so với tốc độ phát triển của nó.
Thông lệ quốc tế tốt về thiết lập “thế kiềng ba chân, gồm: Quản trị nội bộ vững - Kỷ luật thị trường mạnh - Bàn tay điều tiết, giám sát hiệu quả của Nhà nước” còn khá xa tầm với Việt Nam.
Bỏ qua “chân kiềng thứ nhất” - đủ sức, tự làm tự chịu trách nhiệm… như tuyên bố nghiêm khắc gần đây của một vị quan chức Chính phủ, “chân kiềng thứ hai” - tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các chủ thể tham gia thị trường, đang là một điểm yếu kém không cần bàn luận thêm. Chỉ nhìn xem các yêu cầu về xếp hạng, định giá tín nhiệm, về tính đầy đủ, rõ ràng, kịp thời trong việc công bố thông tin theo quy định trên HNX,… là rõ.
Bàn riêng về “chân kiềng thứ ba”, Bộ Tài chính - Cơ quan chịu trách nhiệm điều tiết và giám sát thị trường vốn, đã và đang làm tròn vai của mình? Họ phải làm gì tới đây để khắc phục và xử lý tình hình nhằm hướng tới mục tiêu Việt Nam sớm có được một thị trường vốn phát triển bền vững? Và cơ quan liên quan gần nhất là Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phải cải thiện quan hệ phối hợp giám sát với Bộ Tài chính như thế nào?
Sau nữa, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - Cơ quan “tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong phân tích, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính đến kinh tế vĩ mô và tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đến thị trường tài chính; điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm); giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung thị trường tài chính quốc gia”, giờ này đang ở đâu?
Ai thực sự nên là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu, thị trường tín dụng ngân hàng, thị trường bảo hiểm,… nói rộng hơn là cả thị trường tài chính hợp nhất, ở cấp độ vĩ mô và ở cấp độ vi mô? Đây rõ ràng là một câu hỏi lớn về thể chế, đã từng được bàn thảo khá rộng rãi ở Việt Nam qua các thời kỳ khủng hoảng tiền tệ Châu Á 1997 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, nhưng tới nay vẫn lơ lửng, nửa vời...
Chính những lúc rủi ro thị trường tài chính tăng cao, là lúc câu hỏi này cần được giải quyết rốt ráo, quyết liệt.