Tình hình thiếu việc làm của người lao động tiếp tục được cải thiện
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá, năm 2022, vượt qua những bất ổn và tác động tiêu cực trên phạm vi toàn cầu và những thách thức trong nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt và tập trung của Chính phủ, sự giám sát và kiến tạo của Quốc hội, tình hình kinh tế-xã hội của nước ta đạt được nhiều kết quả rất khả quan.
Tình hình doanh nghiệp có nhiều khởi sắc. Điều này thể hiện qua các con số thống kê tình hình kinh tế-xã hội 11 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ 2021: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tăng 11,8%, trong đó xuất khẩu tăng 13,4%; nhập khẩu tăng 10,1%, xuất siêu 10,6 tỷ USD; doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 33,2%, gấp gần 1,5 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Cùng với đó, tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp tăng 15,9%; số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 5,9%. Nhờ vậy, tình hình thiếu việc làm của người lao động tiếp tục được cải thiện (giảm 2,54 điểm phần trăm); tình hình thất nghiệp của người lao động vẫn tiếp tục duy trì xu hướng giảm (với mức giảm 1,70 điểm phần trăm).
Thu nhập bình quân của người lao động có sự cải thiện so với cùng kỳ năm 2021 và thời điểm trước dịch COVID-19 bùng phát năm 2019.
So với cùng kỳ năm 2021, khi dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương, thu nhập bình quân của người lao động quý III năm 2022 tăng 30,1%, tương ứng tăng khoảng 1,6 triệu đồng.
So với cùng kỳ năm 2019, trước khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, đời sống của người lao động đã trở lại trạng thái bình thường mới và được đảm bảo hơn, với thu nhập bình quân của người lao động tăng 14,5% (theo số liệu Tổng cục Thống kê).
Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay, bên cạnh các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh tốt, mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động, đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương, đặc biệt là ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn, bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động và gia đình họ.
Trước tình hình trên, cùng với các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, các cấp công đoàn đã đã nhanh chóng vào cuộc và triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động.
Nhiều biện pháp được triển khai như: Chủ động nắm kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, mất việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động bị mất việc làm.
Tham gia, đề xuất với doanh nghiệp xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và công bố trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày. Đề xuất tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động, tăng cường đào tạo, đào tạo lại để tiếp tục sử dụng người lao động; trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động thì phải đảm bảo quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cấp công đoàn tiếp tục triển khai chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm; tổ chức các đoàn thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, bên cạnh các hoạt động của tổ chức Công đoàn, nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động, giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, góp phần ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023, cần nhiều giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước biến động của thị trường.
Nguồn: Chinhphu.vn