Bách Hóa Xanh thừa nhận ký hợp đồng với Đông A từ ngày 8/6/2022 nhưng chỉ bao gồm mặt hàng nấm, chiếm tỷ trọng 3% tổng sản lượng mặt hàng này của chuỗi. (Ảnh minh họa) |
Chiều ngày 21/9, CTCP thương mại Bách Hóa Xanh vừa có thông tin phản hồi về bài viết "Phanh phui rau VietGAP dỏm: Hàng Trung Quốc 'VietGAP' vào Bách Hóa Xanh" đăng tải trên Báo Tuổi trẻ sáng cùng ngày.
Trong văn bản phản hồi, Bách Hóa Xanh khẳng định tôn chỉ của doanh nghiệp là tuân thủ đầy đủ quy định về xuất xứ hàng hóa và đảm bảo sự minh bạch nguồn gốc hàng hóa với khách hàng.
"Qua sự việc này, chúng tôi nhận thấy trách nhiệm và sự cần thiết trong việc phải làm tốt hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa trong việc kiểm soát tốt nguồn gốc và chất lượng hàng hóa", văn bản của Bách Hóa Xanh nêu.
Bách Hóa Xanh cho biết sau khi nhận được thông tin đã ngay lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Đông A. Đồng thời, Bách Hóa Xanh yêu cầu Đông A giải trình về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và quy trình cung ứng.
"Theo dữ liệu nhà cung cấp, chúng tôi bắt đầu ký hợp đồng với Đông A từ ngày 8/6/2022 với tỉ lệ 3% trên tổng sản lượng mặt hàng nấm của chuỗi", Bách Hóa Xanh cho biết.
Thông qua sự việc này, Bách Hóa Xanh cho biết sẽ rà soát toàn bộ các nhà cung cấp khác để kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng hóa đầu vào.
"Đối với bất kì nhà cung cấp nào, tiêu chuẩn quan trọng nhất mà Bách Hóa Xanh yêu cầu là chất lượng, vệ sinh, an toàn hàng hóa. Hàng nhập khẩu phải tuân theo các quy định của Nhà nước Việt Nam, đảm bảo đúng nguồn gốc hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với Cơ quan kiểm duyệt, không được giao hàng giả, hàng lậu, thay đổi nguồn gốc sản phẩm. Bách Hóa Xanh duy trì chủ trương và chính sách không khoan nhượng đối với bất kì hành vi vi phạm nào của nhà cung cấp", Bách Hóa Xanh khẳng định.
Trước đó, trong bài viết đăng sáng ngày 21/9, Báo Tuổi trẻ cho biết CTCP Sản xuất thương mại Đông A (địa chỉ tại TP.Thủ Đức, TP.HCM) nhập nấm có xuất xứ từ Trung Quốc về xé bỏ bao bì, gắn mác VietGAP rồi phân phối tại hệ thống Bách Hóa Xanh.
Ở loạt bài viết trước đó, Báo Tuổi trẻ cũng nêu tên 3 hệ thống bán lẻ khác gồm WinCommerce, TikiNGON, 3Sạch có hàng hóa của các nhà cung cấp là Công ty CP Đầu tư và sản xuất Nông Sản Trình Nhi và Công ty TNHH Nông sản sạch Hugofarm - các công ty này đã mua gom rau ở chợ, "hô biến" thành "rau sạch, chuẩn VietGAP", rồi cung cấp cho các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi.
WinCommerce, TikiNGON, 3Sạch sau đó cho biết đã rút hàng hóa và ngừng hợp tác với những nhà cung cấp vi phạm này. Riêng chuỗi thực phẩm 3Sạch khẳng định đã và đang liên hệ với tất cả khách hàng có hóa đơn mua rau của các đơn vị này để đền bù về tinh thần và vật chất.