BIDV liên tục rao bán tài sản đảm bảo trị giá hàng trăm tỷ đồng để thu hồi nợ
BIDV - Chi nhánh Long Biên Hà Nội thông báo kế hoạch bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Thương mại Phú Minh Châu và Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp Trí Đức. |
Theo thông tin đăng tải ngày 24/05/2023, tại BIDV - Chi nhánh Long Biên Hà Nội thông báo kế hoạch bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Thương mại Phú Minh Châu và Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp Trí Đức.
Cụ thể, tài sản đấu giá bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi, phí phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ, tính đến ngày 15/03/2023 là hơn 543 tỷ đồng của nhóm công ty nêu trên. Giá khởi điểm là hơn 356 tỷ đồng, đấu giá thông qua hình thức bỏ phiếu trực tiếp.
Tại BIDV Chi nhánh Hoàng Mai Hà Nội, thông báo bán đấu giá Biệt Thự An Khánh với giá khởi điểm là 22 tỷ đồng. Chi tiết tài sản là BT Khu nhà ở Biệt thự Hoa Phượng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội có diện tích 310,0 m2. Nguồn gốc tài sản là tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của Công ty CP sản xuất điện tử Thành Long.
Khoản nợ tiếp theo tại BIDV - Chi nhánh Nam Gia Lai với tài sản đấu giá là Xe ô tô Audi A8L (giá khởi điểm đấu giá là 940 triệu đồng) và Xe ô tô Landrover Range (giá khởi điểm đấu giá là 3 tỷ đồng). Ngoài ra, BIDV - Chi nhánh Nam Gia Lai cũng thông báo đấu giá tài sản là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc thửa đất số 336, 624, 625 tờ bản đồ số 1 tại Xã Bình Hưng, Huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh với giá khởi điểm đấu giá là 97 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 24/05/2023, BIDV thông báo lựa chọn doanh nghiệp định giá 2 khoản nợ tại BIDV Quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Khoản nợ thứ nhất là của Công ty TNHH TM Tiền Tấn với tài sản bảo đảm là Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số: 3268; Tờ bản đồ số: 01. Địa chỉ: xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tạm tính đến ngày 15/02/2023 dư nợ đối với khoản nợ BIDV yêu cầu định giá là 164,2 tỷ đồng (trong đó, nợ gốc là 130 tỷ đồng và nợ lãi 34,2 tỷ đồng).
Khoản nợ thứ hai là của Công ty TNHH TM Nhựa Vĩnh Phát gồm Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số: 3268; Tờ bản đồ số: 01. Địa chỉ: xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; Quyền sử dụng đất tại thửa đất số 208, 209, 274, 275, 173, 195, 206; Tờ bản đồ số: 19;09. Địa chỉ: xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tạm tính đến ngày 14/02/2023 dư nợ đối với khoản nợ BIDV yêu cầu định giá là gần 65 tỷ đồng (trong đó, nợ gốc 49,9 tỷ đồng và nợ lãi 15 tỷ đồng).
Đáng chú ý, trước đó BIDV Hải Phòng đã thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần thép Việt Nhật. Đây là thông báo đấu giá lần thứ 17 cho tài sản đảm bảo này. Tổng dư nợ của Khoản Nợ tính đến ngày 23/5/2022 là 447 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 194 tỷ đồng, dư nợ lãi là 253 tỷ đồng.
Trong lần thứ 17 rao bán đấu giá của doanh nghiệp thép này, BIDV đưa ra mức giá khởi điểm chỉ hơn 114,6 tỷ đồng, mức giá này giảm 26 tỷ đồng so với con số đưa ra hồi tháng 1/2023 và thấp hơn rất nhiều so với dư nợ gốc.
Trong đợt đấu giá đầu tiên vào cuối tháng 4/2022, BIDV đưa ra mức khởi điểm cho khoản vay này lên tới hơn 440 tỷ đồng. Như vậy, sau khoảng 9 tháng, giá khởi điểm của khoản nợ đã giảm hơn 325 tỷ đồng.
Tài sản thế chấp là Quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất tại thửa đất số 187, tờ bản đồ số D-15BK: 9B Xi Măng - Địa chỉ: Số 159 Bạch Đằng, Hồng Bàng, Hải Phòng; Toàn bộ tài sản gắn liền với đất tại Nhà máy cán Km 9 quốc lộ 5, Quán Toan, Hồng Bàng, Hải Phòng bao gồm: Văn phòng, nhà xưởng NM cán thép HPS, nhà cân và gian bán hàng, hệ thống móng thiết bị nhà xưởng, đường dây 35KV và trạm biến áp, bãi để vật tư, bãi để sản phẩm số 1, nhà để xe; Xe Toyota Camry GLI; Xe Toyota Hiace 16 chỗ; Xe ô tô du lịch 05 chỗ Mercedes E240; Xe đầu kéo...
Tại Hội thảo “Vấn đề xử lý nợ xấu trong Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái.
Ông Hùng cho biết, chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng;
Đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 đã hết hiệu lực…
Ngoài ra, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc; Hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.