Bộ Xây dựng đề xuất dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội
Cụ thể, với mục đích phát triển bền vững thị trường bất động sản trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ loạt giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để đáp ứng nhu cầu nhà ở của số đông người dân hiện nay.
Trong đó, đáng chú ý là việc Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn, giống như gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 khi thị trường gặp khó.
Ảnh minh họa. |
Khi đó, 70% gói hỗ trợ được dành cho những người thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2. Thời hạn vay tối đa là 10 năm. Lúc đó, doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp nhà thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội cũng thuộc diện vay ưu đãi với tối đa 30% còn lại của gói 30.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc hiện nay về giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; về chọn chủ đầu tư, quyền lợi, ưu đãi dành cho chủ đầu tư nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cũng cho biết cần hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” để tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.
Bên cạnh đó, cần xác định việc đầu tư phát triển NOXH cho người lao động thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương.
Đối với vấn đề tín dụng, Bộ Xây dựng có đề xuất cần nới rom tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo; Tạo điệu kiện để doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong đó, tập trung vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên xem xét cho vay với các dự án nhà ở xã hội. Bộ cũng cho rằng cần có biện phá giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.
Một bất cập khác cũng được Bộ Xây dựng đưa ra là hầu hết các địa phương chưa dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thời gian qua; quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo giữa các luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai.
Về giá bán, Bộ Xây dựng cho rằng cần sớm sửa đổi quy định về giao UBND các địa phương thẩm định giá bán các dự án nhà ở xã hội thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách vì thủ tục này kéo dài thời gian thực hiện dự án, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.