Các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp gần 1.000 tỷ tiền thuế: Dư địa vẫn "khổng lồ"
Đây là thông tin được lãnh đạo Tổng cục Thuế nêu ra về tình hình kê khai, nộp thuế của các nhà cung cấp nước ngoài như Facbook (Meta), Google, Tiktok, Microsoft; cũng như việc khai thay, nộp thay cho các cá nhân tại Việt Nam có khoản doanh thu phát sinh từ các nhà cung cấp này tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2022 của Bộ Tài chính.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, từ 21/3 đến nay đã có 36 nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đăng ký kê khai và nộp thuế trên cổng thông tin này.
Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix… Mới nhất, sau một thời gian trao đổi, làm việc thì Tập đoàn Apple cũng vừa chính thức thực hiện kê khai và nộp thuế qua cổng thông tin cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài này.
Trong giai đoạn, các doanh nghiệp liên quan đã tạm nộp thay cho cá nhân phát sinh doanh thu tại Việt Nam gần 500 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã nộp tại Việt Nam từ đầu năm đến nay là xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, chỉ tính riêng 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn như Meta, Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple đã chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới của Việt Nam và đã nộp thuế với tổng số hàng chục tỷ đồng.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng đây là những kết quả bước đầu trong việc khẳng định chủ quyền nền kinh tế Việt Nam, đồng thời thể hiện chính sách của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho tiếp tới đây sẽ tiếp tục hướng dẫn các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài thực hiện theo đúng cam kết và các quy định của Việt Nam về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp với các dịch vụ xuyên biên giới.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh. |
KHẲNG ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRONG VIỆC KÊ KHAI, NỘP THUẾ THAY NGƯỜI BÁN
Tại cuộc họp, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định việc quy định trách nhiệm khai thay, nộp thay thuế của các nhà cung cấp, sàn thương mại điện tử không phải vấn đề mới.
“Ngay như nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài có trả thu nhập cho cá nhân Việt Nam cũng phải kê khai thay, nộp thay, không có lý do gì các doanh nghiệp trong nước không thực hiện”, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.
Theo ông Minh, nếu không quy định trách nhiệm tương tự với các sàn thương mại điện tử, vô hình sẽ tạo ra phân biệt đối với với chính các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.
Ông Minh cho biết, hiện Bộ Tài chính đã tiếp tục báo cáo Chính phủ để sửa Nghị định 126/2020 về bổ sung trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử. Không chỉ có trách nhiệm về kê khai thay, nộp thay thuế mà còn có quy định chia sẻ thông tin.
Hiện các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính cũng có quy định tôn trọng ủy quyền của cá nhân, hộ kinh doanh, nếu muốn có thể ủy quyền cho sàn thương mại điện tử khai thuế thay. Trường hợp không ủy quyền, trách nhiệm của sàn thương mại điện tử vẫn phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Theo ông Minh, với số lượng cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn rất lớn, nếu yêu cầu các cá nhân, hộ kinh doanh này tự kê khai và nộp thuế sẽ tiêu tốn nguồn lực rất lớn. Do đó, việc các sàn thương mại điện tử (có dịch vụ đặt hàng trực tuyến) thực hiện kê khai thay và nộp thay sẽ tiết kiệm được nguồn lực cho toàn xã hội.
Vị lãnh đạo của Tổng cục Thuế cũng khẳng định, các sàn thương mại điện tử có dịch vụ đặt hàng trực tuyến có đầy đủ thông tin về giao dịch, doanh thu của các cá nhân, hộ kinh doanh; vì vậy phù hợp để thực hiện việc khai thay và nộp thuế thay.
NGÀNH THUẾ ĐỨNG TRƯỚC NHIỀU THÁCH THỨC
Cùng thời điểm, tại Tọa đàm "Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử" do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức, các chuyên gia, khách mời của chương trình cũng đã cung cấp, chia sẻ thêm một số thông tin đáng chú ý về nội dung trên.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, đặc trưng của nền kinh tế số và thực tiễn phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý nhà nước, nhất là quản lý thuế.
Đầu tiên là rất khó quản lý đầy đủ các nguồn thu và đối tượng nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh xuyên biên giới trên môi trường trực tuyến.
Theo đó, các quốc gia vốn đều căn cứ trên sự hiện diện vật chất của người nộp thuế, trong khi doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh xuyên biên giới lại có thể vận dụng các quy định để phân bổ thu nhập về địa điểm có lợi nhất về thuế theo quy định của từng nước.
Trong khi đó, trên môi trường số, các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện thông qua website mà không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế tại một nước hay một địa bàn cụ thể.
Nói cách khác, theo bà Lan Anh: Sự hiện diện trong "không gian số" không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật thuế hiện hành mà chủ yếu căn cứ vào "sự hiện diện vật chất" của tổ chức kinh doanh hay người nộp thuế. Vì thế dẫn đến khó khăn trong việc xác định căn cứ tính thuế.
Bên cạnh đó, trong thương mại điện tử phát sinh rất nhiều loại thu nhập khó phân biệt, chẳng hạn như phí bản quyền hay những phí dịch vụ khác cũng là một rào cản lớn trong việc phân biệt các loại thu nhập để làm cơ sở tính thuế.
Cùng với đó, bà Lan Anh cũng đề cập đến khó khăn trong kiểm soát giao dịch kinh tế để quản lý đối tượng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo đó, do chủ thể kinh doanh thương mại điện tử không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài. Vì vậy, một đối tượng có thể cùng một lúc mở nhiều gian hàng, kinh doanh trên rất nhiều trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử khác nhau, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Ngoài ra, bà Lan Anh còn đề cập đến một thách thức nữa đặt ra cho ngành thuế trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử đó chính là quản lý dòng tiền. Bởi với sự phát triển của nền kinh tế số thì những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất đa dạng như: thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P), tiền điện tử...
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân. Ảnh VGP |
NẾU KHÔNG CẬN TRỌNG SẼ GÂY ẢNH HƯỞNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, KHỞI NGHIỆP
Cũng tại tọa đàm, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội khẳng định sự cần thiết phải hoàn thiện về khuôn khổ pháp luật; tuy nhiên, trước hết phải xác định đối tượng mà chúng ta cần điều chỉnh ở đây là đối tượng nào phải chịu thuế khi diễn ra các giao dịch ở trên môi trường số.
Theo ông Cường, quy định, khung khổ pháp lý liên quan cần phải có độ phổ quát cao hơn.
Vị chuyên gia lấy ví dụ, chúng ta thu thuế thông qua hành vi dòng tiền nhưng có thể người ta không dùng tiền Việt Nam mình thanh toán mà dùng các đồng tiền số. Trong khi chúng ta hiện nay thì chưa thừa nhận đồng tiền số đấy nhưng thực tế vẫn đang diễn ra các hoạt động phát sinh thu nhập, kinh doanh, lấy các nguồn tiêu dùng của những người trong nước.
GS.TS Hoàng Văn Cường nêu câu hỏi mở về cơ chế điều tiết như thế nào đối với những đối tượng liên quan. "Chúng tôi thấy rằng sẽ càng ngày càng xuất hiện nhiều thì chúng ta phải có khuôn khổ pháp luật có khả năng bao phủ được hết tất cả các hành vi", ông nói.
Ông Cường nêu lên vấn đề, là khi thu thuế trên nền tảng số thì làm thế nào để ngành thuế thu đúng đối tượng, tránh tình trạng trốn thuế, mất bình đẳng, mất cạnh tranh. Bởi nếu điều này xảy ra thì không chỉ làm mất nguồn thu nhà nước mà mất bình đẳng giữa những người kinh doanh ở những lĩnh vực khác.
Đáng chú ý, theo ông Cường, còn một yếu tố quan trọng nữa là chúng ta đang khuyến khích về khởi nghiệp mà khởi nghiệp cũng phát sinh ở nền tảng số này, nếu không cận trọng chúng ta lại dùng một biện pháp quản lý thu được thuế nhưng lại ảnh hưởng đến môi trường của khởi nghiệp. Cho nên, môi trường pháp lý, khuôn khổ pháp lý phải làm sao giải quyết hài hòa các yếu tố này.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội. Ảnh VGP |
LO NGẠI VỀ VI PHẠM LUẬT THÔNG TIN CÁ NHÂN
Cũng theo ông Cường, liên quan đến quản lý thuế trên nền tảng số thì không phải chỉ riêng đối tượng người nộp thuế, hay sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ nộp thuế mà cần cả các biện pháp khác đi kèm theo.
"Ví dụ như bây giờ chúng ta nói cung cấp thông tin nhưng cung cấp thông tin thì pháp lý cho việc thu thập thông tin như thế nào, nó có ảnh hưởng gì đến chuyện anh sử dụng như thế là có vi phạm luật thông tin cá nhân hay không", ông nói.
Đơn cử như là các tài khoản ngân hàng giao dịch, chúng ta có nghi ngờ thì ai thì có quyền được sử dụng như thế nào, sử dụng đến đâu, khai thác đến đâu. Hay như là những thông tin giao dịch khác, bình thường có thể nghĩ đấy là các thông tin cá nhân nhưng đứng về mặt quản lý thuế, đặc biệt là thu thập thông tin dữ liệu lớn hay tự động thì cơ quan chức năng buộc người ta phải chấp nhận cho truy cập vào những dữ liệu, cơ sở nào?
"Như vậy thì cần một nền tảng pháp lý để cho những hoạt động đó được diễn ra một cách hợp pháp và đảm bảo nó không vi phạm cá nhân nhưng vẫn đảm bảo được vấn đề liên quan đến quản lý", Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, về vấn đề liên quan đến sàn thương mại điện tử, ông Cường nhìn nhận, trước đây chúng ta có những hoạt động giao dịch trên các chợ bình thường, chúng ta quản lý những nơi diễn ra cụ thể, địa điểm thì hiện nay chủ yếu là các sàn trên môi trường ảo.
"Vậy thì, pháp lý của chúng ta trong chuyện quy định vai trò, trách nhiệm của những người tham gia vào cái sàn đó sẽ như thế nào, người bán, người trung gian dịch vụ ra sao?", ông tiếp tục đặt một câu hỏi.
Và để giải quyết được các câu hỏi trên, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, yêu cầu bắt buộc là phải có khuôn khổ pháp luật thực sự đồng bộ để cho tất cả các bên khi tham gia vào trong môi trường giao dịch ở trên mạng này thì đều chịu một điều tiết chung và nó đồng bộ thì chúng ta khi đấy mới có thể quản lý một cách hiệu quả.