Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững” vừa diễn ra đã nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Đây là Hội nghị “ba trong một”, bao gồm các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Mục tiêu đến năm 2030, đưa vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao;...
Trong đó, hoạt động xúc tiến đầu tư là chương trình tiên quyết để hiện thực hóa các kế hoạch và mục tiêu nhằm đưa vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển đột phá, trở thành động lực tăng trưởng của cả nước trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, các đối tác phát triển bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) tại Việt Nam và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã ký cam kết hợp tác cung cấp vốn và đầu tư nhiều dự án nghìn tỷ vào vùng Đồng bằng sông Hồng.
![]() |
Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng diễn ra tại Quảng Ninh. (Ảnh: VGP) |
Cụ thể, dự án được các đối tác phát triển ký kết là 20, với tổng quy mô vốn hơn 2,6 tỷ USD. Các dự án này tập trung ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đáng chú ý, có 30 dự án đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, với tổng vốn đầu tư 167.000 tỷ đồng (tương đương 7,1 tỷ USD).
Có thể kể đến như ở Hải Phòng, Dự án “Đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội để bán và cho thuê” với tổng mức đầu tư 4.865,16 tỷ đồng của Công ty Thai-Holding; Dự án “Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Cell Pin 1” của Công ty Giải pháp năng lượng VinES với tổng mức đầu tư 3.295 tỷ đồng.
Quảng Ninh có Dự án sản xuất khóa chốt và dập định hình Boltun Việt Nam với tổng mức đầu tư 4.080 tỷ đồng; Dự án Sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam với tổng mức đầu tư 3.773 tỷ đồng.
Ở Thái Bình đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án “Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gia công linh kiện điện tử, linh kiện máy tính, thiết bị thông minh...”, với tổng mức đầu tư 6.467 tỷ đồng. Đây là dự án của Compal, một trong những nhà sản xuất của Apple và các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu.
Hải Dương trao chứng nhận đầu tư cho Dự án “Sản xuất, chế tạo, gia công và lắp ráp các loại linh kiện, phụ tùng và sản xuất máy khâu; các thiết bị cho ngành may” với tổng mức đầu tư 958 tỷ đồng. Lãnh đạo các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nam... cũng đã lần lượt trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án quy mô lớn.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ triển khai các dự án quy mô lớn tại vùng Đồng bằng sông Hồng. Cụ thể có Dự án “Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tràng Duệ 3”, với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng; Dự án mới sản xuất các sản phẩm điện, điện tử và âm thanh đa phương tiện, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, của Goertek Vina...