Cán bộ, công chức có thể vay vốn ưu đãi từ chương trình nào để mua nhà ở?
Đối tượng là cán bộ, công chức quan tâm chương trình tín dụng ưu đãi mua nhà ở xã hội. Ảnh minh họa: HBC. |
Bộ Xây dựng vừa trả lời kiến nghị của cử tri về tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục để cán bộ, công chức dễ tiếp cận gói tín dụng ưu đãi; vay mua, xây dựng nhà ở.
Theo Bộ Xây dựng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng chính sách, trong đó có đối tượng là cán bộ, công chức.
Liên quan đến tín dụng ưu đãi cho khách hàng cá nhân vay mua nhà ở xã hội, hiện nay được thực hiện thông qua 02 chương trình tín dụng.
Thứ nhất, hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Lãi suất vay theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay là 4,8%, thời hạn vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm.
Thứ hai, ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP, trong đó đã có giải pháp về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đưa ra với mục tiêu hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện mục tiêu của Đề án 01 triệu căn hộ; thực hiện trong giai đoạn 2023-2030 với đối tượng là chủ đầu tư (để đẩy mạnh nguồn cung), khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội (để hỗ trợ nguồn cầu) với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại.
Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 01/4/2023, thì thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu và lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với Người mua nhà là 8,2%/năm.
Ngày 27/11/2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025). Các quy định mới trong Luật Nhà ở đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh điều kiện, thủ tục vay vốn theo hướng đơn giản hóa và thuận tiện hơn.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Xây dựng đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở, trong đó có Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để đảm bảo hiệu lực đồng bộ với quy định của Luật Nhà ở.
Tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra giữa tháng 3 vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết, nguồn vốn 120.000 tỷ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ chưa được giải ngân hiệu quả do việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế. Đến nay đã có 127 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy còn 61 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 02 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên với lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay. Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ. Bên cạnh việc thúc đẩy triển khai nguồn vốn 120.000 tỷ đồng thông qua các Ngân hàng thương mại, đề nghị Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Xây dựng bố trí đủ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước từ nguồn đầu tư công cho Ngân hàng Chính sách để cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trong giai đoạn 2024-2025 và giai đoạn tiếp theo. Cụ thể theo đề xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2024-2025 nhu cầu là 12.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước cấp 50% là 6.000 tỷ đồng, mỗi năm cấp 3.000 tỷ đồng. |
Đối tượng được đăng ký mua nhà ở xã hội. Đồ họa: NGUYỄN LUẬN. |
Cho giảm vốn đầu tư và xây nhà thương mại ở dự án nhà ở xã hội Hàng hải Bình Định UBND tỉnh Bình Định có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội Hàng Hải Bình Định do Công ... |
Bộ Xây dựng nói về giải pháp phát triển nhà ở tại các khu công nghiệp cho công nhân Bộ Xây dựng vừa trả lời cử tri tỉnh Hải Dương về giải pháp phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở ... |
Chân dung TNG LAND vừa khởi công xây nhà ở xã hội đáp ứng cho gần 800 người lao động TNG LAND thành lập tháng 6/2022, trụ sở ở xóm Đồng Xe, xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Đây là công ty ... |