Chất lượng lao động Việt Nam xuất khẩu làm việc ở nước ngoài còn thấp
Chất lượng lao động Việt Nam xuất khẩu làm việc ở nước ngoài còn thấp (Ành minh họa). |
Xuất khẩu lao động đang góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, có khoảng 47% số lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ học vấn cao nhất là cấp phổ thông trung học, trình độ trung học cơ sở là khoảng 23%. Con số cho thấy chất lượng lao động còn rất thấp, do đó, nếu không nâng cao chất lượng mà chỉ chú trọng số lượng, lao động Việt Nam sẽ khó cạnh tranh.
Đề cập đến chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài những năm qua còn thấp, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, nhiều năm qua mới tập trung vào hỗ trợ cho người lao động nghèo, yếu thế, người lao động ở vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo chứ chưa có chính sách chung về nâng cao chất lượng cho nhóm lao động đi làm việc ở nước ngoài.
“Điểm yếu đầu tiên của lao động Việt Nam hiện nay chính là ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật. Đây là vấn đề đã được nêu ra nhiều trong thời gian qua, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giỏi tiếng bản địa thì lao động có vị trí công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn. Chúng ta đang đặt mục tiêu không chỉ nâng cao số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng lao động. Do đó, việc nâng cao chất lượng lao động được đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người lao động đi xuất khẩu mà còn tạo uy tín thương hiệu cho lao động Việt Nam”, ông Liêm nói.
Về giải pháp khắc phục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, cần có chính sách nâng cao chất lượng nguồn lao động, bố trí nguồn lực về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các hỗ trợ cho người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề, ngoại ngữ.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, để nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thành lập tổ công tác để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc gắn kết với các doanh nghiệp tuyển chọn, đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng như phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm để tăng chất lượng nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu.
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tính chung 8 tháng qua, cả nước đã đưa được 97.234 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt hơn 88% kế hoạch năm 2023. Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 47.215 lao động, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) 41.654 lao động, Hàn Quốc 1.944 lao động, Trung Quốc 1.163 lao động, Hungary 1.002 lao động, Singapore 964 lao động, Romania 627 lao động...