Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao - điểm nghẽn năng suất lao động
Nâng cao tay nghề quyết định năng suất lao động. Ảnh minh họa Lan Nhi |
Năng suất lao động chính là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, do đó nhiều chính sách cải thiện năng suất lao động đã được ban hành nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh hư: Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các chính sách cụ thể hỗ trợ ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ…
Những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trong giai đoạn 2011-2015 đạt 5,5% và giai đoạn 2016-2020 đạt 6,4%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5,0%.
Năng suất lao động quyết định năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa: Trần Việt |
Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực và chênh lệch có xu hướng gia tăng. Trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù năng suất lao động thấp nhưng tốc tăng trưởng tương đối cao do quá trình chuyển dịch cơ cấu. Trong khi đó, năng suất lao động của khu vực công nghiệp-xây dựng thấp và không ổn định, chủ yếu do tham gia ở phân khúc giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều lao động, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng.
Năng suất lao động của khu vực dịch vụ giữ xu hướng tăng nhưng thiếu ổn định và dựa nhiều vào các ngành dịch vụ truyền thống.
Nguyên nhân do một số cơ chế, chính sách vẫn chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp thực hiện các giải pháp và chưa xác định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong đảm bảo thực hiện thực chất và hiệu quả. Các chuyên gia cho rằng những rào cản chính đối với doanh nghiệp trong thúc đẩy năng suất lao động bao gồm: Sự bất định khi đầu tư vào công nghệ; năng lực đổi mới phản ánh qua chất lượng quản lý còn yếu kém; lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết và thiếu nguồn vốn đầu tư.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, hiện lao động qua đào tạo có chứng chỉ so với với lực lượng lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (chỉ 64,5% qua đào tạo, trong đó 24,5% có bằng cấp chứng chỉ). Do đó phải nắm được nhu cầu việc làm của doanh nghiệp sẽ giải quyết được bài toán nhu cầu và khi đã đáp ứng được nhu cầu của hai bên, lao động sau khi được đào tạo sẽ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu.
Các doanh nghiệp cũng cần phải đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ. Việc này, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng để đầu tư, vì máy móc thiết bị phải phù hợp và đáp ứng được quy mô sản xuất. Song song với tăng kỹ năng của người lao động, doanh nghiệp phải sắp xếp lại quản trị để bố trí lao động hợp lý với định mức lao động để người lao động làm việc hết khả năng của mình. “Cần phải có sự kết nối giữa doanh nghiệp với các trường nghề để đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp khi cần lao động ở những vị trí việc làm như thế nào?”, bà Minh cho hay.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, làm chủ về lao động, việc làm, nâng cao trình độ tay nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là quan trọng. Nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động ngày càng tiệm cận với khu vực và thế giới, dần dần thay thế cho các vị trí, công việc do chuyên gia nước ngoài đảm nhận.
Cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm và nâng cao năng suất lao động. Cùng với đó, thị trường lao động phát triển không đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.