Chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện có thể tạo ra 6,5 triệu việc làm tại Việt Nam
VPBank ký kết hợp tác chiến lược với hãng xe điện BYD |
5 trụ cột để phát triển phương tiện giao thông chạy điện tại Việt Nam
Báo cáo của World Bank đưa ra lộ trình hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi xanh trong ngành giao thông vận tải bao gồm đến năm 2030, 50% phương tiện đô thị và toàn bộ xe buýt, taxi sẽ chạy bằng điện và đến năm 2050 chuyển đổi hoàn toàn các phương tiện giao thông đường bộ sang chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh. Quá trình chuyển đổi này sẽ giúp giảm 5,3 triệu tấn phát thải CO2 (tương đương 8% chỉ tiêu giảm phát thải của Việt Nam) vào năm 2030 và 226 triệu tấn (tương đương 60% chỉ tiêu) vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu này, lộ trình chuyển đổi sang xe điện (EV) và khử phát thải carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam cần tập trung vào 5 trụ cột: sản xuất xe điện, kích cầu tiêu dùng, phát triển hạ tầng sạc, đảm bảo nguồn cung điện và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đến năm 2035, xe 2 bánh (2W) vẫn là phương tiện đi lại chính của người dân Việt Nam và sẽ dẫn đầu xu hướng chuyển đổi sang xe điện. Để thúc đẩy quá trình này, cần triển khai nhiều chính sách như: hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng, hoàn thiện tiêu chuẩn an toàn và quy trình kiểm định, khuyến khích sản xuất xe máy điện có công suất lớn và phạm vi hoạt động rộng, đồng thời từng bước hạn chế xe máy xăng. Với những giải pháp này, thị phần xe điện 2 bánh (E-2W) có thể tăng từ 12% hiện nay lên 75% vào năm 2035.
Việc thiết lập mạng lưới trạm sạc xe điện công cộng là cần thiết để hỗ trợ mục tiêu chuyển đổi sang sử dụng xe điện. Ảnh minh họa |
Sau năm 2035, ô tô cá nhân sẽ trở thành phương tiện đi lại phổ biến tại Việt Nam. Nếu hệ thống trạm sạc được phát triển đầy đủ, xe điện có thể là lựa chọn hàng đầu của những người mua ô tô lần đầu. Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự kiến xe điện sẽ chiếm 93% doanh số bán ô tô trong giai đoạn 2036-2050.
Việc chuyển đổi sang xe điện đặc biệt quan trọng đối với phương tiện công cộng và thương mại. Mặc dù xe buýt và xe tải chỉ chiếm 2% tổng số phương tiện đăng ký, nhưng lại thải ra tới 65% lượng khí thải. Để thúc đẩy xe buýt điện, cần những chính sách mạnh mẽ nhằm tăng lượng hành khách, cập nhật tiêu chuẩn kỹ thuật và đảm bảo tính khả thi về tài chính. Đối với xe tải, việc phát triển xe điện dưới 5 tấn là giải pháp đầy triển vọng. Riêng với xe tải hạng nặng, cần nâng cao tiêu chuẩn nhiên liệu và khuyến khích chuyển đổi vận chuyển hàng hóa sang đường sắt, đường thủy để giảm khí thải.
Từ nay đến năm 2030, nhu cầu sạc xe điện sẽ chưa tạo áp lực lớn lên ngành điện Việt Nam, nhưng sẽ tăng mạnh sau đó. Đến năm 2035, để đáp ứng nhu cầu sạc, ngành điện cần tăng sản lượng thêm 5% và nâng công suất mạng lưới thêm 4%. Đến năm 2050, con số này sẽ lần lượt là 30% và 15% nếu muốn đạt mục tiêu phát triển xe điện. Để đáp ứng những nhu cầu trên, ngoài vốn thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII), tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam cần đầu tư thêm cho ngành điện: 9 tỷ USD đến năm 2030 và 14 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2031-2050.
Bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào, cho biết “Chuyển đổi sang giao thông xanh với xe điện là một thách thức lớn, nhưng cam kết của Việt Nam là bước khởi đầu quan trọng. Để thành công, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, nhà đầu tư tư nhân và người dân trong việc định hình lại thị trường xe, cách thức di chuyển và sử dụng năng lượng”.
Tạo việc làm từ quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện
Theo tính toán của World Bank, việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện có thể tạo ra tổng cộng 6,5 triệu việc làm sản xuất mới tại Việt Nam tính đến năm 2050, cũng như nhiều việc làm khác trong lĩnh vực bảo trì và sửa chữa xe điện.
Thị trường xe điện ở Việt Nam được coi là một cơ hội rất lớn, dự kiến sẽ thúc đẩy đáng kể sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất phương tiện và cơ sở hạ tầng sạc. Nhu cầu sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì và tái chế xe điện dự kiến sẽ tăng mạnh. Ngành xe điện sẽ cần lực lượng lao động có năng lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về nhân công nhằm hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng này.
Theo kịch bản thâm nhập của xe điện trong SPS (kịch bản chính sách đề ra), sẽ có tổng cộng 1,8 triệu việc làm được tạo ra tại Việt Nam trên toàn bộ chuỗi giá trị xe điện vào năm 2050. Khoảng 132.000 việc làm sẽ liên quan đến việc sản xuất trực tiếp hệ truyền động điện xe điện. Do mức độ thâm nhập của xe điện và nhu cầu thay thế pin cao hơn nên dự kiến sẽ tạo ra khoảng 574.000 việc làm trong ngành sản xuất pin và 1,1 triệu việc làm trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng sạc xe điện (EVCI).
Số việc làm được tạo ra từ quá trình Chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện theo kịch bản theo chính sách đề ra (SPS). Nguồn: World Bank |
Trong số tất cả các việc làm được tạo ra vào năm 2050, tỷ lệ việc làm liên quan đến sản xuất hệ truyền động động cơ đốt trong thông thường sẽ giảm từ 96,4% năm 2022 xuống 11,9% năm 2050. Mặc dù SPS hướng đến mục tiêu về tỷ lệ thâm nhập 100% cho xe điện trong doanh số bán mới, nhưng số việc làm còn lại liên quan đến hệ truyền động động cơ đốt trong vào năm 2050 sẽ đến từ việc sản xuất các linh kiện cho hệ truyền động và sản xuất xe tải hạng nhẹ (LDV), hạng trung (MDV) và hạng nặng (HDV) - những phân khúc mà mức độ thâm nhập của xe điện vẫn còn hạn chế.
Hoạt động sản xuất hệ truyền động điện xe điện tăng lên với tỷ trọng 6,3% vào năm 2050 so với 1,2% vào năm 2022. Năm 2050, các ngành liên quan đến sản xuất Pin và Thiết bị sạc xe điện lần lượt có tỷ lệ là 27,4% và 54,2%.
Ngoài các công việc liên quan đến sản xuất, quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực bảo trì, sửa chữa và vận hành xe điện.
Chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện và vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam
Theo nghiên cứu của World Bank, việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhập khẩu dầu mỏ và nâng cao an ninh năng lượng của đất nước.
Một trong những tác động trực tiếp của việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện là giảm tiêu thụ xăng và dầu diesel của các xe sử dụng động cơ đốt trong. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, một quốc gia nhập khẩu ròng nhiên liệu hóa thạch.
Dựa trên đặc điểm sử dụng của các phân khúc phương tiện khác nhau tại Việt Nam và hiệu suất năng lượng của chúng, ước tính Việt Nam đã thu được lợi ích từ việc giảm nhu cầu nhiên liệu do quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện ở phân khúc xe 2 bánh - giảm khoảng 390 triệu lít xăng nhờ số lượng xe điện 2 bánh hiện đang lưu thông, tính đến năm 2022.
Nếu việc sử dụng xe điện tại Việt Nam đi theo lộ trình SPS thì đến năm 2050, Việt Nam sẽ giảm được lượng tiêu thụ 306.401 triệu lít xăng và 409.416 triệu lít dầu diesel so với “Kịch bản không có xe điện”.
Theo Lộ trình ADS (kịch bản tăng tốc giảm phát thải carbon), tổng lượng xăng và dầu diesel tiết kiệm được đến năm 2050 lần lượt là khoảng 360,939 triệu lít và 524,471 triệu lít.
Nếu chuyển đổi lượng xăng và dầu diesel tiết kiệm được thành thùng dầu thì tổng lượng dầu tiết kiệm được cho Việt Nam đến năm 2050 nhờ việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện là khoảng 4,502 triệu thùng theo lộ trình SPS và 6,224 triệu thùng theo lộ trình ADS.
Với giá dầu quốc tế hiện tại vào khoảng 80 USD/thùng thì tổng chi phí nhập khẩu dầu tiết kiệm được cho Việt Nam đến năm 2050 là khoảng 360 tỷ USD theo Lộ trình SPS và 498 tỷ USD theo Lộ trình ADS.
Nếu lấy Lộ trình BAU (kịch bản hoạt động bình thường) làm kịch bản cơ sở thay cho kịch bản “không có xe điện” thì Việt Nam sẽ tiết kiệm được tổng cộng 168,907 triệu lít xăng và 361,823 triệu lít dầu diesel trong giai đoạn 2025-2050 theo Lộ trình SPS. Khoản tiết kiệm này sẽ tăng lên 223,445 triệu lít xăng và 476,878 triệu lít dầu diesel trong cùng khoảng thời gian theo Lộ trình ADS.
Tổng lượng dầu tiết kiệm được cho Việt Nam đến năm 2050 theo Lộ trình SPS và ADS so với BAU lần lượt là khoảng 3.792 triệu thùng và 5.006 triệu thùng. Điều này tương ứng với việc tránh được tổng chi phí nhập khẩu dầu khoảng 303 tỷ USD và 400 tỷ USD.
Kịch bản hoạt động bình thường (BAU) là kịch bản giả định trong đó Chính phủ Việt Nam không đưa ra các chương trình, chính sách và khoản đầu tư hỗ trợ nào cho quá trình chuyển đổi sang Phương tiện giao thông chạy điện, bao gồm cả việc sử dụng EV và phát triển mạng lưới trạm sạc công cộng. Kịch bản theo chính sách đề ra (SPS) mô phỏng các lộ trình để đạt được mọi mục tiêu về mức độ sử dụng EV theo Quyết định 876/QĐ-TTg năm 2022. Các mục tiêu được nêu trong Quyết định này bao gồm xe đô thị, xe buýt nội đô và taxi đến năm 2030, và tất cả các loại xe đường bộ đến năm 2050. Kịch bản tăng tốc giảm phát thải carbon (ADS) đặt ra một kịch bản trong đó EV thâm nhập nhanh chóng hơn trên tất cả các phân khúc phương tiện để tăng tối đa tác động giảm phát thải carbon khi Chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện. |
Dat Bike nói đơn vị sản xuất đã xin phép, từ chối cung cấp thông tin bằng chứng Sáng 23/10, Công ty TNHH MTV Dat Bike Viet Nam đã có công văn thông tin rõ về đoạn phim ra mắt sản phẩm xe ... |
Chủ thương hiệu Xe điện PEGA nợ bảo hiểm lao động hơn 1,5 tỷ đồng Công ty cổ phần Xe điện PEGA LTT chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp ... |
Mạnh tay ký thỏa thuận thuê 1.000 ô tô điện kinh doanh, Công ty Holitech có gì? Theo Cổng thông tin tỉnh Bình Định, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Công nghệ Holi Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác ... |