Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi): Khắc phục bất cập, bảo đảm công bằng hệ thống thuế |
Phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 12/5 về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã cho thấy tầm quan trọng và những kỳ vọng đặt vào lần sửa đổi luật này. Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến cho Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày. Các ý kiến cũng đồng tình về yêu cầu cấp thiết nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo công bằng và ngăn chặn mọi kẽ hở lợi dụng chính sách.
![]() |
Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội |
Nỗ lực gỡ khó, tạo đà phát triển cho doanh nghiệp
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, đã nêu rõ những điểm điều chỉnh quan trọng dựa trên ý kiến của các đại biểu quốc hội. Đáng chú ý, về đề xuất cho phép doanh nghiệp bù trừ lãi từ hoạt động kinh doanh bất động sản với lỗ từ các hoạt động kinh doanh khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy tăng trưởng, song nhấn mạnh Chính phủ phải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hiệu quả, ngăn chặn lợi dụng chính sách và tuân thủ Quy định 178-QĐ/TW.
Đối với chính sách ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, dự thảo được chỉnh lý để cho phép doanh nghiệp trừ chi phí bổ sung cao hơn mức thực chi, đồng thời bổ sung các khoản tài trợ cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào danh mục chi phí được trừ. Lĩnh vực báo chí sẽ được áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10%. Ưu đãi cho sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số cũng được điều chỉnh đồng bộ với Luật Công nghiệp công nghệ số. Các vấn đề về giải ngân vốn cho dự án ưu đãi đặc biệt và ưu đãi đầu tư mở rộng cũng được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích đầu tư nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ.
Cân nhắc kéo dài thời gian miễn thuế đối với lĩnh vực phát triển công nghệ cao, chuyển đổi số
Tại Phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến ưu đãi cho lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Về thời gian miễn thuế tối đa 3 năm cho các hoạt động này (khoản 4 Điều 4), đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) và đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng thời gian này là quá ngắn, chưa đủ khuyến khích đầu tư, đặc biệt với các dự án R&D dài hạn và doanh nghiệp khởi nghiệp. Cả hai đại biểu đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian miễn thuế, có thể lên 5 năm, kèm theo việc ban hành tiêu chí rõ ràng để tránh lạm dụng.
![]() |
Các đại biểu tập trung thảo luận về những vấn đề như: người nộp thuế; thu nhập chịu thuế; thu nhập miễn thuế;... Ảnh: Quốc hội |
Quy định về Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ (Điều 17) cũng nhận được nhiều góp ý. Việc trích tối đa 10% thu nhập tính thuế và yêu cầu sử dụng 70% quỹ trong 5 năm được cho là chưa phù hợp với dự án R&D dài hạn. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị linh hoạt hơn tỷ lệ trích lập (có thể 15% cho doanh nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp) và thời hạn sử dụng quỹ, cho phép chuyển nguồn và tăng cường giám sát. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) kiến nghị áp dụng chung mức trích quỹ tối thiểu hoặc khuyến khích cho mọi loại hình doanh nghiệp, thay vì chỉ bắt buộc doanh nghiệp nhà nước.
Về quy định chuyển lỗ (Điều 16), một số đại biểu đề nghị bỏ giới hạn thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm, đồng thời cần bổ sung tiêu chí xác định doanh nghiệp có lỗ để tránh trốn thuế. Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) đề xuất tăng thời gian chuyển lỗ cho doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo với nguyên tắc cụ thể trong luật.
Để nâng cao hiệu quả ưu đãi thuế, các đại biểu nhấn mạnh cần cơ chế đánh giá định kỳ và hậu kiểm chặt chẽ. Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề xuất bắt buộc kiểm toán thuế định kỳ 3-5 năm/lần với doanh nghiệp hưởng ưu đãi và trao quyền cho cơ quan thuế thu hồi ưu đãi nếu vi phạm. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) đề nghị cụ thể hóa các tiêu chí ưu đãi định tính, gắn ưu đãi với chỉ tiêu đầu ra và cho phép doanh nghiệp linh hoạt chọn thời điểm bắt đầu tính ưu đãi.
Cam kết từ Chính phủ và định hướng hoàn thiện của Quốc hội
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã làm rõ thêm nhiều vấn đề đại biểu nêu, khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc rà soát, hoàn thiện chính sách thuế, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả và khuyến khích các lĩnh vực ưu tiên.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận các ý kiến đóng góp, khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo Luật. Ông nhấn mạnh sự quan tâm của Quốc hội đến việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt trong khoa học công nghệ, đồng thời đảm bảo kỷ cương, kỷ luật tài chính. Mong muốn Luật sớm có hiệu lực từ ngày 1/10/2025 cũng được nhiều đại biểu bày tỏ, nhằm kịp thời tạo thêm động lực cho nền kinh tế.
Việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lần này đang đứng trước cơ hội lớn để tạo ra những chuyển biến tích cực, thực chất cho môi trường đầu tư kinh doanh. Các ý kiến đóng góp đa chiều từ nghị trường Quốc hội cho thấy sự quan tâm sâu sắc đến việc cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, với yêu cầu đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả trong quản lý thu ngân sách.
Quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật dựa trên những góp ý xác đáng này sẽ là yếu tố then chốt để đạo luật khi được ban hành thực sự đi vào cuộc sống, phát huy vai trò là đòn bẩy quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.