Thị trường bất động sản 2023 sẽ xuất hiện những cơn sốt đất cục bộ. |
Cơn sốt đất cục bộ xuất hiện khi có quy hoạch và đầu tư hạ tầng mới
Đã qua gần 2 tháng của năm 2023, nhưng giao dịch bất động sản vẫn khá trầm lắng. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản vẫn sẽ xuất hiện những cơn sốt đất cục bộ tại một số địa phương khi có quy hoạch và đầu tư hạ tầng mới. Tuy nhiên, giá bất động sản sẽ tăng không phải do sốt ảo hay tâm lý đầu tư theo số đông như giai đoạn đầu năm 2022 mà tăng giá trị thật do hạ tầng phát triển và chất lượng dự án tốt.
Dự đoán, trong thời gian tới các đòn bẩy về tài chính sẽ dần được cải thiện, room tín dụng được nới thêm, cùng với đó là những cơ chế chính sách về trái phiếu doanh nghiệp được tháo gỡ. Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản sẽ được khơi thông nguồn vốn, doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp tục với các dự án dang dở cũng như đầu tư thêm nhiều sản phẩm.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tăng từ 35% vào năm 2019 lên 37% vào năm 2021 và mục tiêu đạt 45% vào năm 2025, góp phần gia tăng nhu cầu nhà ở, cùng với đó là nhu cầu về các hoạt động dịch vụ nghỉ dưỡng, văn phòng phát triển theo.
Dự báo về thị trường 2023, một nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho rằng, thông thường, trong một năm sẽ có một đợt sốt đất đầu năm và cuối năm. Tương tự, năm 2023, các cơn sốt đất sẽ quay trở lại nhưng xảy ra ở thời điểm muộn hơn, có thể trong quý II, quý III hoặc ở giai đoạn cuối năm. Bởi khi đó, những khó khăn đã được tháo gỡ, thị trường đã phục hồi trở lại, lãi suất giảm, các kênh huy động vốn được khơi thông. Còn ngay từ thời điểm đầu năm 2023, sẽ khó bùng nổ các cơn sốt đất giống như những năm trước.
Bên cạnh đó, trong dài hạn, giá đất nền khó có khả năng sụt giảm mạnh. Mức giá có thể đi ngang so với giá năm 2022 nhưng sau đó sẽ nhanh chóng tăng lại nhờ những kỳ vọng mới.
Trong quý I/2023 thị trường sẽ vẫn dễ thở, tuy nhiên giao dịch ít, chủ yếu vẫn là cuộc chơi của những nhà đầu tư bắt đáy. Nếu phía chủ đất giảm giá gặp nhà đầu tư có tiền mặt thì mới có giao dịch. Tuy nhiên, giá nhà phố sẽ không giảm, chỉ có giá đất nền, căn hộ chung cư có thể giảm khoảng 15%-20%.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ bớt khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III/2023 khi các dự án đầu tư công giải ngân và làn sóng vốn FDI bắt đầu thấm dần vào nền kinh tế. Như vậy, phải bắt đầu từ quý III/2023, các dự án bất động sản mới bắt đầu rục rịch bán hàng trở lại. Với dự báo như vậy thì khả năng cuối năm 2024 thị trường mới có thể phục hồi như bình thường. Tuy nhiên, để sôi động, mua bán đầu tư nhộn nhịp, giá tăng thì phải đến năm 2027, 2028.
Rủi ro thị trường bất động sản năm 2023
Chuyên gia nhìn nhận, có thể thị trường bất động sản năm 2023 đã qua điểm lõm và có thể đi lên nếu phối hợp một cách đồng bộ, hệ thống các giải pháp phát triển. Từ đó, có 3 phương án cho thị trường bất động sản năm 2023.
Cụ thể, phương án 1 - Phương án cơ bản: Thị trường tiếp tục điều chỉnh theo hướng thực chất hơn và có thể, có cơ hội mới. Đây là phương án tiệm tiến, ngoại suy và có khả năng xảy ra nhất. Trong bối cảnh các luồng tiền bất lợi năm 2022 đã được kiểm soát, các chính sách được đồng bộ hóa, các chỉ đạo điều hành quyết liệt, thị trường sẽ qua điểm lõm.
Phương án 2 - Phương án tích cực: Thị trường có động năng mới chính sách, điều hành, nguồn lực nước ngoài và nguồn lực trong nước, nhất là nguồn lực trong dân – kỳ vọng vào một chu kỳ mới, sẽ có thế năng mới, thị trường sẽ đi lên. Phương án này có thể xảy ra nhưng xác suất thấp, vì có nhiều điều kiện nằm ngoài khả năng của nền kinh tế Việt Nam.
Phương án 3 – Phương án hạn chế: Kinh tế thế giới khó khăn và kinh tế trong nước bị ảnh hưởng đồng thời với kinh tế vĩ mô diễn biến đi ngang, thị trường bất động sản sẽ đi xuống. Phương án này khó xảy ra nhưng vẫn cần tính đến.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng chỉ ra 5 rủi ro của thị trường như sau:
Thứ nhất, rủi ro kinh tế quốc tế. Kinh tế thế giới đang tiềm tàng những bất ổn. Tuy nhiên, khả năng bình ổn vẫn có thể xảy ra, thậm chí nếu có xảy ra, Việt Nam vẫn có thể ít bị ảnh hưởng.
Thứ hai, rủi ro kinh tế vĩ mô. Lạm phát, lãi suất, tỷ giá và việc làm có được xử lý tốt hay không? Trong bối cảnh hiện nay, các vấn đề vẫn được kiểm soát.
Thứ ba, rủi ro thị trường. Thị trường bất động sản đang điều chỉnh theo hướng đi ngang. Việc phối hợp đồng bộ về thể chế hóa, về điều hành nền kinh tế có thể đảm bảo cho thị trường giảm thiểu rủi ro nhưng vẫn cần tính đến.
Thứ tư, rủi ro đối tác. Năm 2023, mặc dù rủi ro đối tác giảm đi, do đã xuất hiện trong năm 2022, nhưng vẫn cần tính đến trong các hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ năm, rủi ro chính sách. Dường như các chính sách đã khá rõ ràng. Tuy nhiên, nếu có những biến động bất thường, vẫn cần chuẩn bị các tình huống mới.