Sầu riêng sắp được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc |
Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký Nghị định thư (NĐT) kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng Việt Nam.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), sau khi Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng Việt Nam được công bố trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), danh sách các vùng trồng, các cơ sở đóng gói của Việt Nam được GACC phê duyệt thì sầu riêng của Việt Nam mới chính thức nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Đây là điều kiện quan trọng để sầu riêng của Việt Nam có đầu ra bền vững tại thị trường này.
Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết, Cục đã ký Công hàm gửi toàn bộ danh sách mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chuyển cho Trung Quốc. Trong tuần này, Cục sẽ tập huấn cho các địa phương, các doanh nghiệp và đặc biệt là các cơ sở đóng gói nắm rõ và tuân thủ các luật, các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm và các yêu cầu về kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.
Mừng ít, lo nhiều
Bà Ngô Tường Vy - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Công ty XNK trái cây Chánh Thu) cho biết, từ trước đến nay sầu riêng Việt Nam muốn xuất vào thị trường Trung Quốc phải mua quota từ các doanh nghiệp Thái Lan, hoặc chỉ bán nguyên liệu cho doanh nghiệp Thái Lan xuất khẩu. Vì vậy, thông tin Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng Việt Nam là một tin vui, nhưng tâm trạng bây giờ là mừng ít, lo nhiều vì các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, có bao nhiêu vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, được cấp mã xuất khẩu, và có bao nhiêu nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của Trung Quốc?
Thứ hai, Việt Nam phải làm gì để thay đổi chất lượng và xây dựng thương hiệu sầu riêng để cạnh tranh được với sầu riêng của Thái Lan, Malaysia đang được người tiêu dùng Trung Quốc chấp nhận?
Thứ ba, Trung Quốc sẽ áp thuế nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam là bao nhiêu … và còn rất nhiều quy định khác nữa.
“Trong suốt thời gian đàm phán hầu như doanh nghiệp Việt Nam chỉ bán sầu riêng tại kho, hoặc mua quota của Thái Lan và xuất khẩu sầu riêng với cái tên ‘Made in Thái Lan’. Chính vì bán qua trung gian nên doanh nghiệp Việt Nam mất từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng thậm chí là 700 triệu đồng/container sầu riêng.
Song, xuất khẩu chính ngạch doanh nghiệp Việt Nam phải đóng thuế cho Trung Quốc, nhưng chưa biết mức thuế họ áp là 9% hay 15%? Nếu Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu 15% vẫn rẻ hơn là phải bán qua trung gian Thái Lan nhưng lãi không đáng kể”, Tổng giám đốc Công ty XNK trái cây Chánh Thu tâm tư.
“Cuộc chơi” chính ngạch ở thị trường Trung Quốc cần phải hiểu rõ để làm tốt, làm đúng quy định mới có thể tồn tại
Trung Quốc mở cửa nhưng “cuộc chơi” chính ngạch ở thị trường này cần phải hiểu rõ để làm tốt, làm đúng quy định, và xây dựng chất lượng ổn định mới có thể tồn tại. Bởi mở thị trường rất khó nhưng đóng thì rất dễ, và doanh nghiệp Việt Nam đã có quá nhiều bài học ở thị trường này rồi. Trong đợt xét duyệt này, cho dù doanh nghiệp nào vinh dự có tên trong danh sách được GACC chọn cũng là điều đáng mừng cho nông nghiệp Việt Nam.
Thời gian qua, Thái Lan đã rất chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu sầu riêng Thái Lan tại thị trường Trung Quốc, và sầu riêng Thái Lan đã ăn sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng nước này. Đối với sầu riêng Việt Nam, lâu nay vẫn bán sang Trung Quốc nhưng phải mang tên Thái Lan, khi được phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng của Việt Nam rất cần xây dựng thương hiệu cho riêng mình.
Như vậy, sầu riêng Việt Nam mới có thể cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan trên đất Trung Quốc, và lấy lại thị phần vốn là của sầu riêng Việt Nam nhưng doanh nghiệp Thái Lan đang nắm giữ. Đó mới là câu chuyện đáng quan tâm nhất.
Sầu riêng là cây lâu năm nên gắn bó với người nông dân rất lâu dài, vì vậy ngay từ đầu nông dân và doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy và cùng các cơ quan Nhà nước xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt chất lượng tốt nhất đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu.
Bà Tường Vy cho rằng, xuất khẩu nông sản nhất là trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc bây giờ khó hơn so với các thị trường lâu nay vốn nổi tiếng khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU…
Chánh Thu đã từng xuất khẩu trái cây tươi vào các thị trường khó tính nên hiểu và ý thức rất rõ các quy định tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với trái cây tươi xuất khẩu. Song, vẫn có những doanh nghiệp chưa làm xuất khẩu như các nhà vựa… vì vậy ngành nông nghiệp địa phương cần tập huấn cũng như lan tỏa những quy định, tiêu chuẩn khắc khe của thị trường Trung Quốc.
“Hiện nay danh sách về mã số vùng trồng, mã số đóng gói của doanh nghiệp Việt Nam đang chờ GACC xét duyệt, và phải chờ đến khi họ duyệt xong thì sầu riêng Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Kỳ vọng GACC sớm duyệt danh sách có thể trái sầu riêng kịp xuất khẩu sang Trung Quốc trong vụ mùa này”, Bà Tường Vy nói.