Công nhân bị giảm giờ làm: Năm đầu tiên không có quà Tết cho gia đình
Từ tháng 10 - 11/2022, liên tục bị giãn việc, chị Nghĩa chỉ đi làm 3 ngày trong một tuần. Thu nhập từ 8 triệu đồng giảm xuống còn 6 triệu đồng/tháng. Từ tháng 12/2022 đến nay, tình hình việc làm có khả quan hơn nhưng chị cũng không còn được tăng ca.
Chị Nghĩa chỉ đi làm 8 tiếng, thứ 7, chủ nhật cũng không được làm thêm. Thời điểm tăng ca liên tục, nữ công nhân còn để dư ra được 2-3 triệu đồng/tháng, với tình hình như hiện nay, chị Nghĩa nói: "Không để dư được đồng nào".
Thu nhập bị ảnh hưởng là vậy nhưng theo chị Nghĩa, chị vẫn còn may mắn hơn công nhân khác khi vẫn được đến nhà máy. Chị Nghĩa kể, xóm trọ có khoảng 20 công nhân thì phần lớn phải tạm ngưng việc, giảm giờ làm, không tăng ca, chỉ có số ít được làm đều đặn, tăng giờ làm thêm.
Xa gia đình 8 năm, điều chị Nghĩa mong mỏi có thể bù đắp được cho chồng con mỗi khi Tết đến là những chiếc áo mới. Song với tình hình khó khăn như hiện nay, chị Nghĩa rầu rĩ: "Có lẽ đây là năm đầu tiên không có quà Tết cho gia đình".
Nghe ngóng về mức thưởng Tết Âm lịch 2023, chị Nghĩa cho biết, có lẽ công nhân cũng được thưởng một tháng lương cơ bản, khoảng hơn 5 triệu đồng. Những năm trước, công nhân được thưởng Tết 2 tháng lương.
Dẫu biết khó khăn về tài chính vào cuối năm sẽ rất khó xoay sở song chị Nghĩa vẫn cố bám trụ, chị tin tưởng nhóm công nhân như chị sẽ sớm ổn định được việc làm.
"Nghĩ đến Tết là nghĩ đến hàng trăm thứ phải chi. Nhất là với lao động xa quê như chúng tôi, một năm về nhà 1-2 lần nên Tết lại càng phải chu đáo" - anh Hoàng Văn Trường - công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long chia sẻ.
Nghĩ đến các khoản chi dịp Tết, nam công nhân đau đầu. Ảnh: Minh Hương. |
Anh Trường và vợ cùng làm công nhân, từ tháng 12 đến nay, cả 2 đều bị giảm giờ làm. Gia đình anh thuê trọ tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh), 4 người chen chúc trong phòng trọ chưa đến 15m2. Tết đến, nghĩ đến các khoản cần chi tiêu lại khiến anh Trường đau đầu.
Quê ở Nghệ An, nếu lo tiền vé Tết 2 chiều cho cả nhà cũng phải 2 triệu đồng. Năm nay, công ty chưa báo thưởng Tết Âm lịch cho công nhân nên gia đình vẫn chưa có phương án về Tết. "Nếu về, trong túi ít nhất phải có 10 triệu đồng, không chỉ quà Tết nội ngoại mà tiền mua thực phẩm trong ngày Tết cũng rất tốn" - anh Trường nói.
Từ ngày bị giảm giờ làm, thu nhập của vợ chồng công nhân chỉ dao động ở mức 12-13 triệu đồng. Trong bối cảnh bó rau cũng đắt gấp 2-3 lần so với trước, rất khó để gia đình anh Trường tiết kiệm.
Theo số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có 441 doanh nghiệp với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố, bị ảnh hưởng, trong đó có 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc.
Trước tình hình đó, Công đoàn đoàn các tỉnh, ngành đã chỉ đạo công đoàn cấp trên, công đoàn cơ sở nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động duy trì việc làm, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động; kết nối các công đoàn cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu việc làm cho người lao động...
Nguồn: Báo Lao động