ĐHCĐ Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam: Sẽ đầu tư xây dựng gấp 57,3 lần năm ngoái
Công đoàn Cao su Việt Nam: Tháng Công nhân năm 2023 gắn liền với chăm lo, bảo vệ NLĐ |
ĐHCĐ Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam. |
Đại hội đã thông qua Báo cáo tài chính hợp nhất và Báo cáo tài chính riêng năm 2022 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ công ty mẹ 1714 tỷ (tăng 29,3% so với năm 2021), doanh thu hoạt động tài chính 2122 tỷ (giảm 19,6% so với năm 2021), lợi nhuận sau thuế 1731 tỷ (giảm 25,8% so với năm 2021). Về Báo cáo hợp nhất, năm 2022 GVR đạt doanh thu hợp nhất 25484 tỷ (giảm 3% so với năm 2021), lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4753 tỷ (giảm 11% so với năm 2021). Đại hội cũng thông qua mức chia cổ tức tiền mặt 3,5%.
Năm 2023 GVR đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ 3792 tỷ, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 1395 tỷ, doanh thu hợp nhất 27527 tỷ (tăng 8% so với năm 2022), lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4264 tỷ (giảm 10,3% so với năm 2022), cổ tức năm 2023 dự kiến là 3%. Tập đoàn cũng đặt kế hoạch đầu tư phát triển năm 2023 là 1581,6 tỷ, trong đó đầu tư xây dựng cơ bản 378,2 tỷ (gấp 57,3 lần năm 2022), đầu tư tài chính dài hạn 1203,4 tỷ (gấp 2,7 lần năm 2022).
Là Tập đoàn kinh tế nông nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, các năm đầu sau khi cổ phần hóa GVR đã tăng trưởng khá mạnh: doanh thu năm 2018 là 14.090 tỷ, năm 2021 là 26.226 tỷ (tăng 86% so với năm 2018). Lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 2544 tỷ, năm 2021 là 5340 tỷ (gấp đôi năm 2018). Tuy nhiên các tháng cuối 2021 kêt quả kinh doanh bắt đầu chững lại, lợi nhuận sau thuế quý 4/2021 chỉ đạt 1786,6 tỷ, bằng nửa quý 4/2020. Năm 2022 lợi nhuận của GVR sụt giảm so với năm 2021 như đã nêu ở phần trên.
Với vốn điều lệ 40.000 tỷ và mức vốn hóa hiện xấp xỉ 70.000 tỷ đồng, GVR nằm trong số những DN có mức vốn hóa lớn nhất VN30 và sàn Hose. Biến động giá của GVR ảnh hưởng khá lớn đến VNindex. Với vị thế là DN đầu tàu trong lĩnh vực trồng và chế biến cao su, đồng thời có vị thế lớn trong lĩnh vực chế biến gỗ cũng như phát triển khu công nghiệp, GVR ngày càng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước.
GVR hoạt động ở 5 lĩnh vực chính: (1) Trồng, khai thác chế biến mủ cao su; (2) Chế biến gỗ; (3) Sản phẩm công nghiệp cao su; (4) Đầu tư kinh doanh khu CN; (5) Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
GVR hiện nắm trong tay 400.000 hecta cao su tại 3 nước Đông Dương, trong đó diện tích ở ViệtNam là 287.262ha, mỗi năm sản xuất gần 400.000 tấn cao su chiếm 30% sản lượng cả nước. Sản phẩm cao su của GVR chủ yếu gồm 3 loại: cao su định chuẩn kỹ thuật, cao su ly tâm và cao su tờ, xuất khẩu tới gần 70 quốc gia, với nhiều khách hàng lớn như Goodyear, Bridgestone, Michelin, Yokohama, Kumho, Sailun… GVR đặt mục tiêu đến năm 2025 sản lượng chế biến và tiêu thụ toàn Tập đoàn đạt khoảng 500.000 tấn/năm.
GVR cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển và khoanh nuôi, bảo vệ tối thiểu 20.000 ha rừng cây gỗ lớn trong các vùng cao su. Đầu tư, cải tạo nâng cao công suất chế biến gỗ, đầu tư phát triển các loại nguyên liệu có giá trị sản phẩm cao hơn.
GVR có diện tích cây cao su thanh lý bình quân 10-12.000 hecta/năm, đồng thời có thế mạnh và nguồn lực lớn về đất đai để phát triển trồng rừng nguyên liệu, nên có lợi thế lớn về nguồn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm gỗ. GVR nắm trong tay 18 nhà máy gỗ (14 nhà máy sơ chế, ghép tấm và tinh chế, 4 nhà máy MDF). Năm 2021 GVR sản xuất gần 1,3 triệu m3 gỗ các loại, trong đó gỗ phôi 241216 m3, gỗ ghép tấm 8585m3 và 1.004.424 m3 MDF-MFB, chiếm một nửa sản lượng gỗ MDF toàn quốc.
Có lợi thế về quỹ đất lớn nằm ở nhiều vị trí thuận lợi để xây dựng khu công nghiệp, GVR là cổ đông lớn tại 11 DN trong lĩnh vực này: Nam Tân Uyên, Tân Bình, Long Khánh, Bắc Đồng Phú, Dầu Giây… với tổng diện tích trên 6000 hecta. Phát triển dự án khu công nghiệp trên đất cao su có nhiều ưu điểm so với phát triển trên đất lúa: tiết kiệm thời gian đền bù giải phóng mặt bằng, giá thành hạ tầng thấp hơn... Quỹ đất lớn ở những vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông là lợi thế lớn để GVR phát triển mảng kinh doanh này trong tương lai.
Để hoàn thành kế hoạch đòi hỏi GVR phải tiếp tục nỗ lực hoàn thiện năng lực quản trị, tối ưu hóa chi phí. Mặc dù quá trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả quản trị đang từng bước giúp GVR cải thiện hiệu quả kinh doanh nhưng Tập đoàn cũng còn nhiều việc cần hoàn thiện. Báo cáo BKS tại ĐHCĐ thường niên năm ngoái cho thấy GVR cần thực hiện tốt việc tăng cường quản lý tổ chức sản xuất, quản lý sử dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, xây dựng phương án quản lý tổ chức sản xuất theo hướng tinh gọn hiệu quả ở các đơn vị thành viên; quản lý chặt chẽ giá thành ngay từ đầu năm để hạn chế việc tăng giá thành do biến động giá cả phân bón, nguyên liệu; tập trung xây dựng, hoàn chỉnh các quy định, quy chế, thực hiện công khai minh bạch về các hoạt động và tổ chức công bố thông tin theo quy định; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quản lý, sử dụng vốn, tài sản đất đai có hiệu quả và đúng quy định của Nhà nước; thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tăng cường thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước…
Công đoàn Cao su Việt Nam: Tiếp tục là chỗ dựa cho người lao động trong năm 2023 |