Xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho kỷ nguyên AI: Cơ hội, thách thức của Việt Nam |
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có sự bảo hộ pháp lý thì mọi tác phẩm AI tạo ra sẽ trở thành tài sản công, ai cũng có thể sử dụng tự do mà không cần xin phép. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của người sáng tạo mà còn làm giảm động lực phát triển công nghệ AI.
![]() |
Một trong những lo ngại lớn nhất là nếu các tác phẩm AI không được bảo hộ, chúng sẽ ngay lập tức trở thành tài sản công cộng. |
Tuy nhiên, việc công nhận quyền tác giả đối với tác phẩm AI cũng đặt ra nhiều thách thức pháp lý, bởi lẽ AI chỉ là một công cụ, không phải là chủ thể pháp lý có tư cách sở hữu trí tuệ.
Bùng nổ nội dung do AI tạo ra
Những năm gần đây, các công cụ AI sáng tạo nội dung như DALL·E, Midjourney, Runway, Stable Diffusion và ChatGPT đã trở nên phổ biến. Trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những video, hình ảnh hay bài hát được tạo ra hoàn toàn bằng AI. Chỉ cần nhập một câu lệnh đơn giản, AI có thể tự động xử lý, chỉnh sửa và tạo ra sản phẩm mà trước đây con người phải mất hàng giờ, thậm chí hàng ngày để thực hiện.
Anh Lê Hoàng, một nhà sáng tạo nội dung trên TikTok với hơn 500.000 lượt theo dõi chia sẻ trước đây tôi phải mất ít nhất vài giờ để dựng một video ngắn, nhưng với sự hỗ trợ của AI công việc trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Chỉ cần nhập câu lệnh phù hợp AI có thể tạo ra hình ảnh, giọng nói và hiệu ứng chuyên nghiệp.
Sự phát triển này mở ra cơ hội lớn cho những người không chuyên về thiết kế hay sản xuất nội dung, giúp họ dễ dàng tham gia vào thị trường sáng tạo số. Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ đối với những tác phẩm do AI tạo ra.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, chuyên gia công nghệ thông tin tại Đại học Bách Khoa TP.HCM, AI chỉ là một công cụ hỗ trợ, không thể được xem là một thực thể có tư cách pháp nhân để hưởng quyền tác giả.
"AI không có tư duy sáng tạo như con người. Nó chỉ tổng hợp, xử lý dữ liệu từ những gì đã có để tạo ra sản phẩm mới. Vì vậy, nếu tác phẩm được tạo ra hoàn toàn bởi AI mà không có sự can thiệp đáng kể của con người thì rất khó để được bảo hộ quyền tác giả", ông Minh nói.
![]() |
Nếu tác phẩm AI trở thành tài sản công, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng mà không cần xin phép. Điều này có thể dẫn đến các tranh chấp về quyền sở hữu và khai thác thương mại. |
Trong khi đó, luật sư Phạm Hồng Quân-chuyên gia về sở hữu trí tuệ cho rằng cần phân biệt rõ giữa tác phẩm do AI hoàn toàn tạo ra và tác phẩm có sự can thiệp của con người. "Nếu con người đóng vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo, như tinh chỉnh câu lệnh, chọn lọc nội dung, sửa đổi kết quả nhiều lần thì hoàn toàn có thể xem đó là một tác phẩm có yếu tố sáng tạo của con người. Khi đó, quyền tác giả có thể được công nhận cho người sử dụng AI", luật sư Quân bày tỏ.
Ở góc độ khác, nếu AI có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mà không có giới hạn, liệu điều đó có làm giảm giá trị của các tác phẩm do con người tạo ra? Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Tùng đánh giá một bức tranh vẽ tay có giá trị không chỉ vì hình ảnh, mà còn vì câu chuyện và tâm hồn của người nghệ sĩ trong đó. “Nếu AI có thể tạo ra hàng nghìn bức tranh mỗi ngày, liệu con người còn cần nghệ thuật thực sự không?", anh Tùng lo ngại.
Dưới góc nhìn kinh tế, TS. Nguyễn Hoàng Nam-chuyên gia kinh tế nhận định công nghệ AI chỉ phát triển mạnh nếu nó có thể mang lại lợi nhuận. Nếu sản phẩm AI tạo ra không được bảo hộ, doanh nghiệp sẽ ngần ngại đầu tư vì họ không thể khai thác giá trị kinh tế từ đó.
Pháp luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới hiện chưa có quy định cụ thể về quyền tác giả đối với tác phẩm do AI tạo ra. Tuy nhiên, một số quốc gia đã có những bước đi đầu tiên trong việc xác định phạm vi bảo hộ của luật bản quyền đối với AI.
Giải pháp nào cho quyền tác giả AI?
Đơn cử, tại Hoa Kỳ Văn phòng Bản quyền Mỹ (United States Copyright Office) tuyên bố chỉ bảo hộ các tác phẩm có sự đóng góp sáng tạo của con người. Nếu một tác phẩm có sự hỗ trợ của AI, người sáng tạo phải chứng minh vai trò của mình trong quá trình sáng tác.
![]() |
Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi cách con người sáng tạo, nhưng cũng đặt ra những thách thức pháp lý chưa từng có. |
Anh Quốc có Luật bản quyền của Anh công nhận nếu một tác phẩm được tạo ra bởi máy tính mà không có tác giả con người rõ ràng, thì người điều hành hoặc lập trình viên của AI sẽ là chủ sở hữu bản quyền.
Còn tại Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia thành viên đang xem xét khung pháp lý để điều chỉnh quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến AI, nhưng hiện tại vẫn chưa có quy định chung.
Trong khi, tại Việt Nam Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 vẫn giữ nguyên nguyên tắc chỉ bảo hộ tác phẩm do con người sáng tạo. Theo Cục Bản quyền tác giả, các sản phẩm do AI tạo ra không thể đăng ký quyền tác giả, trừ khi có sự can thiệp đáng kể của con người.
Việc từ chối bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm AI có thể dẫn đến hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Nếu mọi sản phẩm AI tạo ra đều thuộc về tài sản công, các nhà sáng tạo nội dung và doanh nghiệp sẽ không thể khai thác thương mại từ các tác phẩm này.
Chị Phương Lan, một nghệ sĩ sử dụng AI để sáng tác tranh cho biết đã dành rất nhiều thời gian để tinh chỉnh câu lệnh và điều chỉnh kết quả AI tạo ra. “Nếu tranh của tôi không được bảo hộ bản quyền, người khác có thể lấy về sử dụng mà không cần xin phép. Điều này rất bất công", chị Lan nhấn mạnh.
Mặt khác, các công ty phát triển AI cũng gặp rủi ro lớn. Nếu AI không thể tạo ra lợi nhuận, ai sẽ đầu tư vào công nghệ này? Việc thiếu cơ chế bảo hộ có thể làm giảm động lực nghiên cứu và phát triển AI trong lĩnh vực sáng tạo.
![]() |
Nếu không có một khung pháp lý phù hợp, chúng ta có thể đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát trong lĩnh vực bản quyền, ảnh hưởng tiêu cực đến cả người sáng tạo và ngành công nghiệp AI. |
Các chuyên gia đề xuất một số giải pháp để bảo vệ quyền lợi của những người sáng tạo nội dung bằng AI. Cụ thể, công nhận vai trò của con người trong quá trình sáng tạo. Nếu một tác phẩm do AI tạo ra có sự can thiệp đáng kể của con người, quyền tác giả có thể được trao cho người sử dụng AI.
Xây dựng cơ chế ghi nhận đóng góp sáng tạo. Người sáng tạo có thể cung cấp tài liệu chứng minh sự tham gia của họ trong quá trình tạo ra tác phẩm (như bản nháp, quá trình tinh chỉnh AI).
Thiết lập khung pháp lý rõ ràng. Cần có quy định cụ thể về quyền sở hữu trí tuệ đối với nội dung AI, tránh tình trạng nhập nhằng pháp lý.
Tạo cơ chế cấp phép sử dụng tác phẩm AI. Nếu không công nhận quyền tác giả, có thể xem xét mô hình cấp phép thương mại để bảo đảm lợi ích cho người sáng tạo và các công ty phát triển AI.
Sự phát triển mạnh mẽ của AI đã đặt ra những thách thức pháp lý mới liên quan đến quyền tác giả. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo nội dung AI là điều cần thiết để đảm bảo công bằng và thúc đẩy sự đổi mới.
Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có sự phối hợp giữa các nhà lập pháp, chuyên gia công nghệ, nghệ sĩ và các cơ quan quản lý nhằm xây dựng một khung pháp lý phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của công nghệ.
![]() Trong vòng 3 năm tới, 80% nhân sự kế toán có thể bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo (AI), theo một nghiên cứu ... |
![]() Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi sâu rộng ngành kế toán. Thay vì bị loại bỏ hoàn ... |
![]() Ngành chăm sóc khách hàng đang chứng kiến một cuộc cách mạng công nghệ khi trí tuệ nhân tạo (AI) dần thay thế con người ... |