Khảo sát đầu giờ sáng nay (14/10), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 66 – 67 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 100 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng DOJI bán lẻ tại Hà Nội tăng nhẹ 50 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 100 nghìn đồng/lượng chiều bán, đang niêm yết ở mức 66 – 67 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng nhẹ trong bối cảnh trên thị trường thế giới, giá kim loại quý đang chịu áp lực khi đồng USD mạnh lên.
Hiện giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.664,8 USD/ounce, giảm 8,6USD, tương đương 0,51% so với chốt phiên trước.
Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 48,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 17,5 triệu đồng/lượng.
Biểu đồ: Kitco |
Giá vàng thế giới đi xuống khi dữ liệu lạm phát Mỹ cho kết quả cao hơn dự đoán, củng cố đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lập trường mạnh tay nâng lãi suất.
Cụ thể, báo cáo mới cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0,3% của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Xét trên giai đoạn 12 tháng, lạm phát tổng thể tăng 8,2% trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với đỉnh 9% hồi tháng 6, nhưng vẫn dao động gần mức đỉnh 40 năm.
Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,6% so với tháng trước, cao hơn ước tính tăng 0,4% của Dow Jones. So với cùng kỳ, lạm phát lõi tăng 6,6%, mức cao nhất trong 40 năm.
Sau khi báo cáo được công bố, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên trên 4%/năm. Lãi suất và lợi suất trái phiếu cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không sinh lời như vàng.