"Doanh nghiệp có "còn sống" để ngồi ký hợp đồng mua bán điện?"
Câu hỏi mang bức xúc đó được Điện gió và Điện Mặt trời Bình Thuận đưa ra tại Diễn đàn Năng lượng tái tạo năm 2022 với chủ đề “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới”, diễn ra ngày 6/1.
Phát triển năng lượng tái tạo hướng tới nền kinh tế xanh đang là xu hướng chung của toàn cầu trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ đang ngày một cạn kiệt, cùng tác động ô nhiễm môi trường. Tại Việt Nam, gần nhất, ngày 5/8/2022, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến 2030 - trong đó có nhấn mạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...
Tuy nhiên, theo phản ánh từ những người trong cuộc, trên thực tế, thị trường năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang rơi vào trạng thái như "ngủ đông" để chờ chính sách mới khi các quy hoạch liên quan như Quy hoạch điện VIII hay cụ thể như cơ chế liên quan cho việc khảo sát điện gió ngoài khơi, lựa chọn nhà đầu tư, giá điện... chưa được ban hành.
3 nhóm khó khăn, vướng mắc chính
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Vy - Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: Công suất nguồn năng lượng tái tạo (cả thuỷ điện) hiện nay khoảng 46.834 MW chiếm 56% công suất nguồn điện.
Trong đó có 7.605 MW công suất nguồn điện gió đã hoàn thành. Trong số này có 4.126 MW đã vào vận hành và hưởng giá FIT, còn 62 dự án với tổng công suất 3.479 MW đã ký PPA với EVN nhưng do giá FIT hết thời hạn nên chưa có giá bán điện.
Bên cạnh đó, có 16.545 MW tổng công suất nguồn điện mặt trời; có 22.910 MW tổng công suất các nguồn thuỷ điện (tăng hơn 2,5 lần so với 10 năm trước); có 310 MW công suất điện sử dụng bã mía tại các nhà máy đường, đang đầu tư 170 MW công suất nguồn điện sử dụng trấu và phụ phẩm của gỗ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Vy nhìn nhận, việc phát triển năng lượng tái tạo hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính.
Thứ nhất, các cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo chưa đưa ra được định hướng lâu dài, nhiều chính sách còn bất cập. Cụ thể, với dự án điện sinh khối, các dự án đồng phát chỉ hoạt động trong vụ mùa ép mía (4-5 tháng), thời gian còn lại trong năm (7-8 tháng) ngừng hoạt động.
Các dự án điện đồng phát có thể điều chỉnh kỹ thuật để tiếp tục hoạt động như nhà máy điện sinh khối sử dụng nguyên liệu khác như gỗ vụn, vỏ cây, phụ phẩm nông nghiệp… để phát điện. Tuy nhiên, nếu giá điện vẫn ở mức như điện đồng phát, hoạt động này sẽ không khả thi về mặt kinh tế do phải tăng thêm chi phí mua nhiên liệu sinh khối.
Với các dự án điện gió và điện mặt trời hiện cơ chế hỗ trợ hết hiệu lực từ ngày 1/11/2021, chưa có cơ chế chuyển tiếp nên 62 dự án/phần dự án điện gió đã xây dựng xong nhưng chưa được đưa vào vận hành do chưa có cơ chế giá.
Thêm vào đó, các dự án năng lượng tái tạo còn gặp khó khăn từ việc thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo có thể kết hợp sản xuất điện với sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn phải thực hiện thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất dẫn đến kéo dài thực hiện, chưa tạo được sự đồng thuận của người nông dân.
Ông Nguyễn Văn Vy - Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tại Diễn đàn. |
Thứ hai là những khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật như chưa có sự phát triển đồng bộ giữa các dự án năng lượng tái tạo với lưới điện truyền tải dẫn tới khi thì quá tải, lúc lại thiếu tải. Các dự án điện gió, điện mặt trời có công suất biến đổi phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng một phần đến quá trình vận hành hệ thống điện…
Thứ ba, khó khăn về tài chính. Các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu lớn về vốn nhưng rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu khiến thời gian thu hồi vốn có thể kéo dài. Các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng cho vay hoặc có cho vay thì lãi suất cao.
"Nhiều doanh nghiệp đang khóc dở, mếu dở..."
Nêu góc nhìn từ doanh nghiệp trong ngành, ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc CTCP ĐMT Sunseap Link Việt Nam cho biết, trước hết cần phải làm rõ, nhìn rõ vấn đề "Nhà nước đang muốn gì?" và "doanh nghiệp cần gì?".
Ông Bắc nói, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tăng trưởng năng lượng tái tạo đạt 27% nhưng "chúng ta lại quên một con số cực kỳ quan trọng tăng trưởng 27% thì bao nhiêu % trong đó được đưa vào khai thác và sử dụng".
Chủ tịch IQLinks lấy ví dụ, chẳng hạn tăng trưởng về vốn 27% là 1.000 tỷ nhưng chúng ta chỉ khai thác sử dụng hiệu quả được 500 tỷ thì cũng tức là chúng ta mất đi giá trị của 500 tỷ - khi số tiền đó các đầu tư, doanh nghiệp vẫn ngày đêm phải trả lãi suất ngân hàng.
Một vấn đề khác, đến lúc này chúng ta vẫn trăn trở bởi sau rất nhiều năm Quy hoạch điện VIII vẫn chưa có. Giá điện dự kiến là khoảng 3,39 Cent cho 1 kwh điện năng lượng tái tạo, tuy nhiên, ông Bắc nêu câu hỏi: "Chúng ta dựa vào cơ sở nào để đặt ra giá điện đó để Bộ Công Thương trình cho Chính phủ?".
Ông Bắc thông tin, ngày 20/12/2022, Bộ Công Thương đã có báo cáo trình Chính phủ, trong đó có đưa ra giải pháp cho phép thí điểm cho 1000 MW được bán điện trực tiếp. Đây là giải pháp tốt, theo thông lệ của thế giới nhưng giải pháp này hiện mới dừng ở đề xuất và "nằm trên giấy". Nhất là khi hệ thống điện của chúng ta đang bị "Overload" (quá tải) thì điện sản xuất xong "mắc nó đến đâu"...
"Bây giờ tôi có 3, 4 nhà máy, người ta tiêu thụ cho chúng tôi 100 MW nhưng đường truyền tải vẫn bị đầy thì làm sao tôi đấu nối được...", ông Bắc nói. Trong đó, ông Bắc đề xuất xem xét xã hội hoá đường truyền, huy động sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân xây dựng và phát triển đường truyền tải điện.
Ông Bắc nhấn mạnh, điểm mấu chốt là cần có giải pháp để “khơi thông” điểm nghẽn này. Mặc dù Quốc hội, Chính phủ - trong đó có Bộ Công Thương đã có những tham luận rất lớn về vấn đề này nhưng liệu có cho "tư nhân hóa" hay không và tư nhân hóa thì liệu có đảm bảo an ninh năng lượng hay không thì đến nay vẫn chưa có được sự rõ ràng...
Đơn cử, ông Bắc nêu ví dụ, có một vài doanh nghiệp, tập đoàn đã thí điểm đầu tư xây dựng đường truyền tải điện và đến bây giờ đường truyền đó vẫn đang nằm "trơ hơ", không bàn giao được cho EVN, không thể đưa vào khai thác, sử dụng.
Ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch HĐQT công ty IQLinks, Giám đốc CTCP ĐMT Sunseap Link Việt Nam. Ảnh: Tuấn Việt |
Theo ông Nguyễn Hoài Bắc, việc xã hội hóa truyền tải điện có thể góp phần hạn chế, khắc phục tình trạng "nơi thừa, nơi thiếu" - có vùng miền thì rất nhiều điện, nhưng có nơi thì lại thiếu thốn.
Bên cạnh Quy hoạch điện VIII đang dở dang, ông Bắc đề cập đến Quy hoạch Quốc gia đang được Quốc hội nghiên cứu. "Quy hoạch Quốc gia là quy hoạch vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là quy hoạch vùng miền mà còn biển cả. Khi Quy hoạch Quốc gia chưa được phê duyệt thì quy hoạch về điện phải dừng lại hết. Đó là nguyên tắc của quốc gia", ông Bắc nói.
Do đó chương trình cho điện mặt trời, điện gió và các loại điện khác, tất cả phải dừng lại hết. "Không phải chỉ 62 doanh nghiệp (được Bộ Công Thương đề cập) đâu, còn rất nhiều doanh nghiệp khác đang khóc dở mếu dở, muốn phá sản không phá sản được...", ông Bắc nói.
Ông Bắc nêu thực trạng, dự án thì đã xây dựng lên rồi, COD (vận hành thương mại) thì không lấy được tiền mà cũng không cho COD. Không chỉ có thế, nhiều cơ quan, ban ngành trong lĩnh vực thanh, kiểm tra cũng đẩy mạnh hoạt động.
Cũng theo người trong cuộc này, thực tế còn rất nhiều bất cập mà chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận thì mới thể mở đường cho ngành điện phát triển để đạt mục tiêu tới 2050 mới có thể bỏ hoàn toàn điện carbon.
Ông Bắc cũng nêu một thực tế, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang ráo riết săn lùng, tìm mua các dự án năng lượng tái tạo, điện gió của Việt Nam đã được COD - vậy thì trong một vài năm tới liệu doanh nghiệp Việt Nam có còn chủ quyền chi phối hay không? Và khi thế giới ngày càng thắt chặt, yêu cầu sử dụng năng lượng sạch mà dự án thì chúng ta bán hết rồi vậy thì tới lúc đó nhiều khả năng sẽ lại phải mua giá cao lại chính nguồn năng lượng chúng ta đã từng bán rẻ đi.
Kết lại vấn đề, ông Bắc tiếp tục kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch điện VIII, xem xét việc xác định giá điện cơ sở để đảm bảo khả thi và phù hợp với thực tế… nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
"Muốn đất nước phát triển thì cần suy nghĩ cho cả cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển... Khó khăn thì chúng ta phải cùng tìm giải pháp để tháo gỡ. Doanh nghiệp không muốn nói nhiều về chính sách vĩ mô mà cần những giải pháp cụ thể...", ông Bắc chia sẻ.
Quy hoạch thì "rất đẹp, rất hài hòa" nhưng thực thi thì...
Mở đầu chia sẻ tại Diễn đàn, ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện Mặt trời Bình Thuận tái khẳng định tiềm năng rất lớn của việc phát triển điện tái tạo, năng lượng sạch tại Việt Nam.
Trên thực tế, ông Thịnh đánh giá thời gian gần đây lãnh đạo cấp cao cũng đã rất tích cực trong việc giới thiệu, mời chào các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác, phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Và cũng đã có một số "đại bàng" đã tới tìm hiểu cơ hội - nhưng việc việc họ có thực sự "làm tổ" tại Việt Nam hay không còn phụ thuộc vào môi trường đầu tư của chúng ta, ông Thịnh nói.
Đứng ở góc độ nhà đầu tư, ông Bùi Văn Thịnh nhìn nhận hiện đang có rất nhiều vấn đề cản trở dự định "làm tổ" của doanh nghiệp. Trước hết là quy hoạch, đã trình lên trình xuống 9 lần nhưng chưa được duyệt. Vậy thì cần phải xem xét trách nhiệm, làm rõ xem "không duyệt là do ai?". Là bản chất là quy hoạch có vấn đề, chất lượng quy hoạch kém hay là do người duyệt không hiểu?
Ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội điện gió và Điện Mặt trời Bình Thuận phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh Tuấn Việt |
Ông Thịnh cũng nêu lên một nghịch lý: Tại Việt Nam, quy hoạch thì làm rất kỹ nhưng thực thi thì lại tiến hành vô cùng kém. Nhìn từ Quy hoạch điện VII, điện mặt trời năm 2020 mới chỉ có 850 MW nhưng được bổ sung thêm vào gần 10.000 MW, gấp hơn chục lần dẫn quá tải mạng lưới, hệ thống... "Đây là lỗi của ai, lỗi của người làm quy hoạch chứ của ai?", ông Thịnh nói. Trong khi đó, bao nhiêu dự án lưới điện trong Quy hoạch VII thì lại không làm được, chậm, trễ... dẫn tới không giải phóng được công suất.
"Quy hoạch thì rất hài hòa, đường và lối, vùng và miền, nguồn điện nọ, nguồn điện kia cực kỳ hài hòa, bức tranh rất đẹp - nhưng thực thi thì lôm côm vô cùng. Đây là một nghịch lý...", Chủ tịch Hiệp hội điện gió và Điện Mặt trời Bình Thuận nói tại diễn đàn.
Đồng tình với ý kiến trước đó của ông Nguyễn Hoài Bắc, ông Thịnh đề cập tới thực trạng "khoảng trống trong chính sách" đang diễn ra. Nhiều doanh nghiệp có dự án đã hoàn thành 14-15 tháng nay nhưng chưa thể "chạy" đang nằm chờ "chết".
Trong khi đó, chúng ta vẫn ngồi nâng lên, đặt xuống, khung giá chưa có - rồi đến khi khung giá xong rồi, duyệt được khung giá mới có thể ngồi vào đàm phán... "Mà đám phán xong một cái hợp đồng mua bán điện không đơn giản tý nào...", ông Bùi Văn Thịnh tâm tư và nêu thực tế có dự án nhiều năm trời vẫn chưa ký được; trong khi nhanh nhất thì cũng phải vài ba tháng, thường thì mất cả năm.
"Lúc bấy giờ thì không nhiều doanh nghiệp có 'còn sống' để mà ngồi ký hợp đồng mua bán điện đâu", ông Thịnh nêu góc nhìn khi thực tế hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp đang "thoi thóp".