Doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm xã hội xuống 25% |
Tại phiên thảo luận, ông Phạm Tấn Công Chủ tịch VCCI đưa ra ý kiến về việc các nước trong khu vực có mức đóng bảo hiểm thấp hơn nhiều so với nước ta. Hiện nay, mức đóng của chứng ta là 17% của doanh nghiệp, cộng với 25% của người lao động, cộng các khoản khác như BHYT thì lên tới 32%.
Ông Công cho rằng, mức đóng này rất cao, khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp khó hơn. “Doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng xuống 20%: Người lao động 5%, còn doanh nghiệp 15%. Phương án này dù rất khó, nhưng nên cân nhắc, có lộ trình giảm dần từng chút từng chút một”.
Về tình trạng trốn đóng BHXH bắt buộc, lâu nay có quy định hành vi chậm đóng, nhưng dự thảo lần này bỏ, theo ông, quy định như vậy là “rất nghiêm khắc”. Ủng hộ xử lý nghiêm người trốn đóng, nhưng về chậm đóng, theo ông, nếu bỏ đi thì “chưa hợp lý”, vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. “Cần khôi phục khái niệm chậm đóng, còn trốn đóng thì phải xử lý nghiêm”, ông Công kiến nghị.
Tại phiên họp, nội dung được đặc biệt quan tâm là vấn đề giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để giảm tình trạng đóng quá lâu và người lao động phải chờ nhiều thời gian mới được hưởng lương hưu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: “Trước đây thời gian đóng BHXH quá dài nên người ta rút BHXH một lần. Những lúc khó khăn như trong dịch Covid-19, giữa việc phải đóng 20 năm sau mới được hưởng lương hưu với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt vì thời gian đóng BHXH quá dài”.
Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cũng đưa ra ý kiến đề xuất để giảm tình trạng rút BHXH 1 lần. Theo đó, đối với những người tham gia sau khi luật có hiệu lực không được rút BHXH 1 lần khi đang trong độ tuổi lao động. Với người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực được rút nhưng chỉ rút phần đã đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm.
Theo ông Huệ, việc này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mặt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng. Khi đó mạng lưới an sinh sẽ không bị thủng.