Công nhân KCX Linh Trung 1, TP.HCM. Ảnh: Khánh Linh |
San sẻ việc làm, đảm bảo phúc lợi
Bên cạnh những doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự trong bối cảnh khó khăn do thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực giữ phúc lợi, đảm bảo lương, thưởng Tết, đồng thời tìm giải pháp tăng đơn hàng nhằm đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người lao động.
Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) - doanh nghiệp có đông lao động nhất TPHCM hiện nay - do tình hình đơn hàng, công nhân các xưởng thuộc khối sự nghiệp PCaG đã thoả thuận sắp xếp nghỉ luân phiên. Theo đó, kể từ 1.12.2022, khoảng 20.000 công nhân của Công ty PouYuen Việt Nam nghỉ luân phiên, chủ yếu sẽ nghỉ vào thứ Bảy. Công ty chi trả tiền lương cho ngày nghỉ luân phiên 180.000 đồng/ngày.
Nỗ lực giữ các phúc lợi, đảm bảo lương, thưởng Tết cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp thời điểm này. Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã công bố kế hoạch thưởng Tết cho NLĐ.
Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch CĐ Công ty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung 1) cho biết, công ty giữ thưởng Tết cho công nhân từ 1,8 - 2,2 tháng lương/người, tương đương mỗi công nhân sẽ được thưởng hơn 13 triệu đồng. Với nhân sự quản lý, mức thưởng cao hơn, khoảng 2,4 tháng lương, công ty cũng có quà Tết cho tất cả NLĐ. Đây là nỗ lực của công ty để đảm bảo phúc lợi cho NLĐ trong bối cảnh đơn hàng những tháng cuối năm sụt giảm 20-30%.
Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng đang tìm mọi cách để duy trì việc làm cho người lao động. Lãnh đạo công ty này chia sẻ, do lượng đơn hàng giảm tới 50% ở mảng thời trang từ tháng 8 đến nay, do đó hiện công ty đang hoạt động không có lợi nhuận.
Đồng Nai là tỉnh có ngành công nghiệp phát triển bậc nhất Đông Nam bộ, nhưng các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp ở Đồng Nai đang phải thu hẹp sản xuất, khiến một bộ phận NLĐ nghỉ không lương phải về quê nghỉ Tết sớm. Ông Lê Xuân Quân - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai cho biết, 6 tháng cuối năm là giai đoạn khó khăn khi đơn hàng thiếu là ảnh hưởng chung của thị trường thế giới, song doanh nghiệp cũng đang cố gắng để đảm bảo đời sống cho NLĐ.
“Các doanh nghiệp đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ NLĐ, đồng thời tạo điều kiện để NLĐ có thể nâng cao năng lực. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, chúng tôi rất cần sự thấu hiểu từ phía người lao động, mục đích cuối cùng hướng đến là phát triển của doanh nghiệp và việc làm ổn định cho người lao động” - ông Quân chia sẻ.
Thị trường lao động có tín hiệu tích cực
Bà Trần Minh Ngọc - Giám đốc Việc làm Tốt - cho biết, trong bối cảnh hiện nay, NLĐ dễ tìm được việc làm mới trước Tết Nguyên đán do nhu cầu tuyển dụng giai đoạn này tăng cao. Đa phần NLĐ phổ thông khi tìm được việc làm mới ổn định, họ sẽ không quay về công ty cũ. Như vậy, những doanh nghiệp vừa sa thải hàng loạt lao động có khi lại gặp khó khăn vì thiếu lao động khi có đơn hàng trở lại.
Bên cạnh đó, hiện các lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng nhiều công nhân như may mặc, da giày, sản xuất đồ gỗ… đang tìm mọi cách để kiếm đơn hàng mới cho năm 2023, bởi có đơn hàng thì họ mới tự tin giữ NLĐ để làm việc.
“Đa số các doanh nghiệp thâm dụng lao động đều sản xuất, gia công phụ thuộc rất lớn vào các đơn hàng từ các nhà buôn nước ngoài. Các nhà buôn lớn của thế giới sẽ đưa ra dự báo và đặt hàng trước từ 3 - 6 tháng, thậm chí đặt cho cả năm. Do vậy, nếu không có cách giữ chân NLĐ, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi có đơn hàng sản xuất mới bởi nền kinh tế thế giới có thể ấm lên nhanh chóng” - bà Ngọc phân tích.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong quý 4/2022, dự kiến nhu cầu nhân lực của TP.HCM cần khoảng 69.500 - 77.100 chỗ làm việc, trong đó nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 67% tổng nhu cầu.
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, thị trường lao động tháng cuối năm đang có nhiều chuyển biến tích cực bất chấp việc một số doanh nghiệp cắt giảm lao động. Nhu cầu tuyển mới trong tháng cuối năm và đầu năm 2023 lớn hơn số lao động bị cắt giảm. Trong khi đó, các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM trong năm 2022 rất khả quan. Do đó, thị trường lao động tại TP.HCM vẫn đang phát triển theo hướng tích cực. Dự báo, bước sang năm 2023, thị trường lao động sẽ nhộn nhịp hơn.
Theo nguồn: laodong.vn