Doanh nghiệp Việt vươn tầm thế giới: Áp dụng công nghệ để linh hoạt thích ứng
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng đầu năm 2022 tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài đạt trên 313,8 triệu USD, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Cũng theo Cục thống kê, Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cho thấy hiệu quả tích cực: cụ thể như Viettel Global có doanh thu hợp nhất lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 9.900 tỷ đồng, tăng 15%; lãi gộp đạt 4.063 tỷ đồng, tăng gần 800 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 12 ngành. Trong đó, ngành hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm đứng thứ hai về tổng vốn đầu tư.
Trong bối cảnh phát triển vươn tầm quốc tế, “thích ứng – linh hoạt” là từ khóa để hoạt động hiệu quả, thích nghi với nhu cầu của các thị trường trong và ngoài nước, nắm bắt các cơ hội kinh doanh một cách nhanh chóng hơn, và tạo sự thuận tiện cho các giao dịch xuyên biên giới.
Linh hoạt để thích ứng trong sản phẩm, dịch vụ là cần thiết để ngành ngân hàng phát triển trên nhiều thị trường đa dạng. |
Để làm được điều này trong ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các doanh nghiệp đang áp dụng công nghệ để cải thiện tính linh hoạt, thích ứng với sự thay đổi về nhân khấu học của từng thị trường, xây dựng một hành trình trải nghiệm khách hàng thuận tiện, dễ tiếp cận, cá nhân hóa đồng thời khuyến khích khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ tài chính hơn.
Điển hình như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa khởi động dự án sử dụng công nghệ blockchain để tăng tốc độ xử lý giao dịch nội vùng trong ASEAN+3 (10 quốc gia ASEAN cùng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc), và phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán xuyên biên giới của Sáng kiến Thị trường trái phiếu châu Á, bao gồm các ngân hàng trung ương và các cơ quan lưu ký chứng khoán trong khu vực.
Tập đoàn ngân hàng CIMB cũng đang hợp tác với công ty công nghệ Hàn Quốc Toss ra mắt thẻ ảo đồng thương hiệu; Đây là lần đầu tiên hai doanh nghiệp quốc tế ra mắt sản phẩm thẻ trên một ứng dụng phi ngân hàng tại Việt Nam. Hợp tác giữa chuyên môn ngân hàng cùng với nền tảng công nghệ đã mang tới cải tiến sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng thay đổi của thị trường nội địa, giúp hai doanh nghiệp quốc tế này gia tăng cạnh tranh tại Việt Nam.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với chi nhánh tại Lào và Campuchia, cũng áp dụng phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm và ứng dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách nhanh chóng, kịp thời. Cụ thể, MB phát triển công nghệ dựa vào mô hình Lego để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính của người dùng với tốc độ nhanh hơn, chi phí thấp hơn và trải nghiệm khách hàng xuất sắc hơn. Với mô hình Lego, mỗi tính năng công nghệ của MB đều như một ‘khối gạch’ có thể linh hoạt ‘tháo’, ‘lắp’, cá nhân hóa theo nhu cầu riêng của mỗi thị trường, mỗi đối tượng khách hàng, giúp cho MB dễ dàng điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ của mình cho thị trường Lào, Campuchia, hay các vùng miền tại Việt Nam một cách phù hợp với thị hiếu địa phương nhất. Để phục vụ linh hoạt các nhu cầu của người dùng trên từng quốc gia và khu vực, MB tiếp tục ứng dụng công nghệ RPA – Robotic Process Automation vào quy trình làm việc với số lượng hơn 20 robot.
RPA giúp tự động hoá quy trình để giúp ngân hàng tăng năng suất hoạt động và giảm thiểu rủi ro. |
Thêm vào đó, MB còn có quy trình xây dựng và cải thiện sản phẩm ‘ngược’, bắt nguồn từ nhu cầu khách hàng để xây dựng tính năng và sản phẩm mới: MB sẽ lắng nghe thị trường và những nhu cầu được cộng đồng quan tâm, từ đó xây dựng nên những tính năng và sản phẩm đáp ứng kịp thời những nhu cầu mới, đa dạng hơn của thị trường.
Việc số hóa ngành tài chính – ngân hàng đang là một nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia . Khi mà người dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn về dịch vụ và cách họ trải nghiệm, họ mong muốn các công ty dịch vụ tài chính, ngân hàng phải hiểu rõ và luôn thay đổi – về mặt xã hội, nhân khẩu học và công nghệ.
Các cơ hội mới sẽ dành cho những doanh nghiệp và tổ chức tìm được những giải pháp phù hợp để lắng nghe người dùng, tiếp cận họ một cách cá nhân hóa, cải thiện trải nghiệm và đáp ứng như cầu của họ một cách ngày càng nhanh chóng và linh hoạt với sự hỗ trợ của công nghệ. Những doanh nghiệp này chắc chắn sẽ không chỉ gặt hái được thành công trong nước, mà sẽ còn phát triển xuyên biên giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.