Bộ Xây dựng sắp họp với các ngân hàng về gói 120.000 tỷ hỗ trợ nhà ở xã hội |
Tại cuộc họp với Bộ Xây dựng về Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội diễn ra vào ngày 10/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu nghiên cứu, đánh giá đầy đủ nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là công nhân, người lao động có thu nhập thấp, trong đó cần tính đến mức thu nhập phổ biến của người lao động và khả năng có thể mua nhà ở xã hội.
Phó Thủ tướng nêu rõ, cần tính phương án dài hơi hơn, việc thực hiện đề án không chỉ gói gọn ở con số 1 triệu căn nhà ở xã hội, vì hiện nay còn hàng chục triệu người có nhu cầu về nhà ở.
Theo Phó thủ tướng, mục tiêu dài hạn là nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong bảo đảm quyền tiếp cận nhà ở của người dân. Từ đó, cơ quan chức năng đưa ra các mục tiêu, lộ trình ứng với từng giai đoạn phát triển để giải quyết nhu cầu tiếp cận nhà ở của mọi người dân, như xây ký túc xá cho sinh viên, nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, nhóm người yếu thế.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, Nhà nước phải bảo đảm giá nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân. Các bộ, ngành cần nghiên cứu chính sách để công nhân, người lao động có việc làm, thu nhập ổn định được vay tiền mua nhà, thuê nhà với mức lãi suất thấp.
Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá đầy đủ nhu cầu nhà, trong đó cần tính đến mức thu nhập và khả năng có thể mua nhà của người lao động, công nhân.
Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội. Ảnh minh hoạ |
Đồng thời, vị lãnh đạo yêu cầu khẩn trương tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội theo hướng Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi về hạ tầng, đất đai, tài chính… cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội, lấy đầu tư công về hạ tầng cơ bản để dẫn dắt, thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, khi quy hoạch các khu công nghiệp phải đi kèm với quy hoạch, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân để có thể hình thành khu đô thị mới với đầy đủ cơ sở hạ tầng. Doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở xã hội có đủ năng lực, bảo đảm yêu cầu tiến độ, chất lượng.
Trước đó, Bộ Xây dựng giảm mục tiêu đề án xây nhà ở xã hội từ 1,4 triệu căn xuống còn hơn một triệu và vốn thực hiện giảm còn 849.500 tỷ đồng. Nguồn lực thực hiện giảm, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tăng huy động nguồn lực xã hội, hạn chế dùng tiền ngân sách và đưa ra các cơ chế ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra, các địa phương cũng phải chủ động cân đối ngân sách để hỗ trợ đầu tư nhà ở xã hội.
Việc giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, khó khăn trong bối cảnh giá bất động sản thương mại ngày càng cao là vấn đề nhận được sự quan tâm. Từng chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, để thực hiện thành công Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cần có 2 chính sách quan trọng. Đó là, chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi dài hạn cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và quỹ đất theo quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội.
Về việc muốn tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, vị chuyên gia nhận định, phải có sự hợp lực của Nhà nước và các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thông qua 2 kênh:
Một là, Nhà nước thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách trích 10% số thu tiền sử dụng đất và nguồn tài chính của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước để phát triển nhà ở xã hội.
Hai là, doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các khu vực quy hoạch phát triển nhà ở xã hội để có quỹ đất thực hiện dự án nhà ở xã hội, hoặc doanh nghiệp sử dụng quỹ đất sẵn thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội sẽ thấp hơn thông thường |